2. Thông tin mô tả chi tiết Dược liệu Ngải chân vịt
Cây Ngải chân vịt, Tan quy - Artemisia lactiflora Wall. ex Bess, thuộc họ Cúc - Asteraceae.
Mô tả: Cây thảo thơm, cao 0,8-1,5m. Thân thẳng, có rãnh dọc, màu tím tía. Lá có phiến một lần kép gồm 3-5 lá chét xoan, to đến 5x 3,5cm, lúc khô đen, không lông, gân phụ 2-3 cặp, mép có răng to, thưa. Nhánh không dài, mang các hoa đầu nhóm thành chuỳ, không cuống, màu trăng trắng, cao 4-6mm; hoa toàn hình ống, hoa ngoài cái, hoa trong lưỡng tính. Quả bế không có lông mào.
Hoa quả vào mùa hè, thu.
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Artemisiae Lactiflorae, thường gọi là Bạch bao hao.
Nơi sống và thu hái: Cây được trồng ở các vùng miền núi. Thu hái cây quanh năm, tốt nhất là lúc cây chưa ra hoa, dùng tươi hay phơi trong râm mát cho khô.
Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, hơi đắng, tính bình; có tác dụng hoạt huyết, lợi tiểu, tiêu viêm, tiêu sưng phù.
Công dụng:
Thường dùng chữa:
1. Kinh nguyệt không đều, bế kinh;
2. Viêm gan mạn tính, viêm gan vàng da;
3. Viêm thận, phù thũng, bạch đới;
4. Khó tiêu, đầy bụng, thoát vị. Dùng 10-20g, dạng thuốc sắc, không dùng cho phụ nữ có thai.
Dùng ngoài chữa đòn ngã, vết thương chảy máu, bỏng loét, eczema. Giã cây tươi đắp ngoài, hoặc nghiền thành bột băng bó vết thương.
Đơn thuốc:
1. Vô kinh hoặc đau bụng trước kỳ kinh: Ngải chân vịt tươi 30-60g đun với rượu và nước và uống với ít đường.
2. Bạch đới: Ngải chân vịt tươi 30-60g, sắc uống.
3. Bầm dập: Ngải chân vịt tươi 60g, củ Hẹ tươi 30g, giã chung và tẩm rượu dùng đắp.