Cây dược liệu cây Bung lai, Chua kè, Cò kè, Mé - Microcos panicutula L

Theo y học cổ truyền, cây Bung lai Lá có vị nhạt, hơi chua, tính bình; có tác dụng thanh thử, tiêu thực, thu liễm chỉ tả, hoá đàm. Thường được dùng trị: Cảm lạnh, đau đầu; Tiêu hoá kém, trướng bụng, ỉa chảy; Viêm gan.

Thông tin mô tả cây dược liệu Bung lai

Bung lai, Chua kè, Cò kè, Mé - Microcos panicutula L., thuộc họ Đay - Tiliaceae.

Mô tả: Cây nhỡ cao 3-10m. Lá hình mác, tròn ở gốc, nhọn sắc và có mũi nhọn ngăn ngắn, hơi có răng, có lông trên các gân ở mặt trên, rải rác lông thưa ở mặt dưới, dài 8-20cm, rộng 4-10cm, có 3 gân gốc. Hoa thành chuỳ ở ngọn, có lông mềm ngắn, với cuống rất ngắn. Quả đen, dạng quả lê, hơi nạc, dài 1cm, chứa 1-2 hạt.

Hoa tháng 4-7, quả tháng 6-8.

Bộ phận dùng: Lá - Folium Microcoris Paniculatae.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Malaixia, Inđônêxia và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc ở các đồi hoang, bãi cỏ, ven rừng sáng, phổ biến ở miền Bắc Việt Nam và một số nơi ở miền Trung (Đắc Lắc). Thu hái lá vào mùa hè - thu, phơi khô.

Thành phần hoá học: Hạt chứa dầu.

Tính vị, tác dụng: Lá có vị nhạt, hơi chua, tính bình; có tác dụng thanh thử, tiêu thực, thu liễm chỉ tả, hoá đàm.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường được dùng trị: 1. Cảm lạnh, đau đầu; 2. Tiêu hoá kém, trướng bụng, ỉa chảy; 3. Viêm gan. Liều dùng 15-30g, đun sôi và dùng nước uống thay trà. Ở Trung Quốc, người ta còn dùng để giải mọi cổ trướng, thanh giải chứng sưng thũng vàng da, tiêu nhiệt độc, giải độc rắn cắn, pha làm nước uống trừ tích thực. Dân gian vẫn dùng quả để ăn. Lá đem hơ sấy trên than dùng sắc lấy nước cho trẻ em uống trị giun. Ở Ấn Độ, cũng được sử dụng làm thuốc trị tiêu hoá kém, sốt, thương hàn, lỵ và loét giang mai ở môi và dùng chữa bệnh phó đậu, eczema và ghẻ ngứa.