Hình ảnh mô tả Cây Trạch Tả có tên khoa học: Alisma plantago-aquatica
Trạch tả thuộc họ trạch tả, tên khác là mã đề nước, là một cây thảo, cao 40-50cm. Bộ phận dùng làm thuốc của trạch tả là thân rễ, thu hái vào mùa thu là tốt nhất, cạo hết rễ, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô.
Cây trạch tả
Trồng cây Dược Liệu Cây trạch tả tại Ninh Bình
Tại xã Xuân Thiện- huyện Kim Sơn, nhận thấy tiềm năng phát triển giống cây trồng này, xã đã chỉ đạo HTX nông nghiệp cử cán bộ tìm hiểu, nghiên cứu các đặc tính của cây trồng, điều kiện thổ nhưỡng của địa phương cũng như giá trị kinh tế và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chế biến từ cây trạch tả. Qua đó được biết đây là một loại cây dược liệu quý, củ trạch tả sau khi thu hoạch có thể sấy khô, được thương lái tìm kiếm thu mua với số lượng lớn. Hơn thế, trạch tả sinh trưởng và phát triển tốt trên đất 2 lúa nên tận dụng được diện tích đất nông nghiệp để trống giữa vụ mùa và vụ đông xuân tiếp theo. Vì vậy, xã quyết định nhân rộng diện tích, hình thành vùng quy hoạch trồng cây trạch tả với diện tích 30ha.
Ông Vũ Văn Khởi ở xóm 2, Xuân Thiện cho biết: Gia đình tôi trồng 1,6 mẫu trạch tả, năm nay cây sinh trưởng và phát triển tốt, lái buôn thu mua với giá cao, lượng thu mua lớn. Mọi năm, các lái buôn chỉ thu mua củ trạch tả đã sấy khô nhưng năm nay, họ thu mua cả củ tươi. Giá củ tươi là 10.000 đồng/kg, giá củ khô dao động từ 38- 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ chí phí, lợi nhuận gia đình thu về là khoảng 35 triệu đồng. Bên cạnh đó, trồng và chăm sóc cây trạch tả không khó, khá tương tự việc trồng lúa.
Cũng như huyện Kim Sơn, Hội Nông dân huyện Gia Viễn đã tổ chức cho các hộ là hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại xã Gia Hòa đi thăm quan học tập mô hình trồng cây trạch tả ở xã Khánh Thủy- huyện Yên Khánh; nơi có nhiều hộ hội viên, nông dân tham gia trồng cây trạch tả đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Vụ đông 2016, Hội Nông dân huyện chỉ đạo Hội Nông dân xã Gia Hòa và hộ các ông: Phạm Hồng Trình, Nguyễn Văn Hưởng ở thôn Phú Nhuận trồng khảo nghiệm 1,5 ha cây trạch tả. Để thực hiện thành công mô hình, Hội Nông dân huyện đã hỗ trợ cây giống, ngày công, một phần phân bón; mời kỹ sư tư vấn cung cấp giống cây, hướng dẫn KHKT trước, trong khi thực hiện mô hình và bao tiêu sản phẩm sau khi thu hoạch.
Cũng giống như cây lúa, trạch tả được cấy từ cây con. Hạt được gieo từ giữa tháng 9, sau khoảng 30 - 35 ngày là có thể nhổ lên đem cấy với mật độ 8 - 10 cây/m2, mật độ cấy 40 x 50cm. Thời vụ cấy từ ngày 28-30/9/2016 (thời gian sinh trưởng khoảng 120 ngày). Chăm bón cây trạch tả cũng cần bón phân kết hợp với làm cỏ và phòng trừ sâu bệnh thường xuyên. Đến nay, sau hơn 2 tháng, cây sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến thu hoạch vào tháng 1/2017. Khi thu hoạch, củ trạch tả được đào lên, cắt phần lá, rửa sạch. Lấy cót quây tròn, dùng diêm sinh để hun đến khi củ chín mềm, rồi đem phơi hoặc sấy khô.
Về hiệu quả kinh tế tính trên 1 vụ, cây dược liệu trạch tả cho thu lợi nhuận gấp đôi so với cây lúa. Mỗi kg trạch tả khô có giá khoảng 30- 40.000 đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi sào thu lợi nhuận 2 triệu đồng. Với 1,5 ha trồng trạch tả, gia đình ông Trình, ông Hưởng thu nhập từ 60- 80 triệu đồng. Thuận lợi hơn là đầu ra cho sản phẩm khá ổn định, đã được Công ty Traphaco cam kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ việc trồng cây trạch tả vụ đông năm 2016 này, Hội Nông dân huyện chỉ đạo Hội Nông dân xã Gia Hòa tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân trong thôn, xóm tham gia mở rộng diện tích, các hộ đã tham gia trồng khảo nghiệm năm 2016 sẽ giúp đỡ bà con cung cấp cây giống, chuyển giao KHKT, ký hợp đồng với Công ty thu mua. Hy vọng việc gắn bó lâu dài với giống cây này sẽ giúp người nông dân tìm được hướng đi trong phát triển nông nghiệp bền vững.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh, nhiều huyện cũng đã tiến hành khảo sát và trồng thử giống cây này. Nếu ổn định được đầu ra, chắc chắn diện tích trồng trạch tả sẽ được mở rộng gấp nhiều lần hơn nữa. Đây cũng là động lực để phát triển kinh tế của địa phương, góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập cho người dân.
Nguồn: NB