Làm điều thiện, không làm điều ác Thanh lọc tâm ý Đó là lời Phật dạy.
Một học giả Trung Quốc hỏi một nhà sư: Cốt tủy của đạo Phật là gì? Và đã được bậc thức giả trả lời:
Làm điều thiện, không làm điều ác
Thanh lọc tâm ý
Đó là lời Phật dạy.
Đương nhiên, học giả này đang chờ đợi câu trả lời 'thâm sâu' hơn, thâm thúy hơn, nên đã nhận định đứa trẻ lên ba cũng hiểu được như vậy. Nhưng câu trả lời của bậc thức giả, đứa trẻ lên ba có thể hiểu được câu đó nhưng ông già tám mươi chưa chắc đã thực hành được!
Tương tự đức Phật đã quở Ngài A Nan, đệ tử thị giả của Ngài, đừng nên coi thường giáo lý đơn giản là điều dễ dàng để thực hành.
Cốt tủy của đạo Phật đòi hỏi con người giữ gìn giới luật 'đơn giản' trong sự việc đi tìm giải thoát, nhưng việc thực hành các điều này hết sức khó khăn. Bắt đầu bằng những giới sau đây:
- Không được lấy đi đời sống của bất cứ sinh vật nào
- Không được lấy bất cứ gì nếu không được cho
- Không được nói dối và phải thận trọng trong lời nói
- Không được tà dâm
- Không được dùng các chất độc (như ma túy và rượu), có thể làm mất sự lưu tâm.
Trên đây là những nguyên tắc căn bản phải theo.
Những nguyên tắc này không phải chỉ để diễn tả mà đơn giản là đem thực hành với sự hiểu biết. Vấn đề chính yếu của đời sống tinh thần là áp dụng thực tiễn, tích cực, không phải vấn đế của kiến thức.
Mục đích chủ yếu của con người trong đạo Phật là phá vỡ gông cùm trói buộc con người triền miên trong vòng sinh tử luân hồi. Con người phải chịu trôi lăn trong vòng tái sinh vô tận vì vô minh, con người mường tượng một thực thể vĩnh viễn gọi là cái 'ngã' hay cái 'ta'.
Cho ảo ảnh cái ta là thật, con người phát triển lòng ham muốn ích kỷ. Con người tranh đấu không ngừng để thoả mãn lòng tham dục nhưng không bao giờ được thỏa mãn. Giống như gãi một chỗ ngứa để đỡ đau, nhưng làm như vậy, ngứa lại càng tăng, vết đau lại càng thêm nặng.
Trích cuốn sách "Các vấn đề của xã hội hôm nay"
Hòa thượng K. Sri Dhammananda, Thích Tâm Quang dịch