Thông tin mô tả cây dược liệu Sâm gai
Sâm gai, Thiên tuế lá chẻ, Sâm tuế - Cycas micholitzii Dyer, thuộc họ Tuế - Cycadaceae.
Mô tả: Thân cao 0,5m, gốc phình như củ. Lá dài 0,6-3m; lá chét đặc sắc, một lần chẻ hai, cứng, rộng 2cm, dài đến 20cm; gốc cuống có gai. Cây khác gốc; nón đực dài 15-30cm, nhị nhiều, có mũi ngắn, bao phấn có môi ngắn và hai mũi bên. Vẩy cái hình bánh bò xoan, có khía sâu. Hạt 4, hình trái xoan.
Mùa sinh sản 11-3.
Bộ phận dùng: Thân củ - Caulis Cycatis.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Việt Nam và Nam Trung Quốc. Ở nước ta, cây mọc ở Quảng Ninh (Tiên Yên, Móng Cái) và gặp nhiều ở các tỉnh Nam trung bộ như Kon Tum, Gia Lai, Ðắc Lắc, Lâm Ðồng và Ninh Thuận, trong các rừng thưa, trên đất tốt, ẩm, đất bazan đỏ hay nâu, tới độ cao 500m.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ðồng bào dân tộc ở Tây Nguyên thường dùng phần thân phình thành củ thái nhỏ, phơi khô, sao sắc uống làm thuốc bổ mát, lợi tiểu, kiện tỳ vị nên cũng gọi là Sâm.