Thay vì thay van tim động mạch chủ nhân tạo như trước đây, các bác sĩ (BS) dùng chính vật liệu tự thân là màng ngoài của tim để tái tạo thành van tim cho bệnh nhân.
Một bệnh nhân sau ca phẫu thuật thay van tim bằng màng ngoài của tim thành công tại bệnh viện. Ảnh: NP
Đến nay, BV đã phẫu thuật thành công cho 10 bệnh nhân. Trong đó có trường hợp của chị VTM (30 tuổi), mắc bệnh hở van động mạch chủ và cần phẫu thuật thay van.
Trước đó, chị M. từng rất tuyệt vọng khi biết dù được thay van cơ học hay van sinh học thì cơ hội có thai và sinh con của chị cũng rất thấp, mang nhiều rủi ro. Nhờ áp dụng kỹ thuật thay van bằng màng ngoài tim, sức khỏe của chị M. đã phục hồi, đảm bảo điều kiện mang thai.
Theo các BS, các bệnh lý bất thường của van động mạch chủ như hẹp, hở van động mạch chủ thường là những bệnh nặng, chữa trị phức tạp, thường được chỉ định thay van nhân tạo.
Trước đây, người bệnh có hai lựa chọn là van cơ học và van sinh học. Tuy nhiên, hạn chế của van cơ học là phải kết hợp dùng thuốc kháng đông suốt đời. Nguy cơ tai biến như kẹt van, xuất huyết não, tiêu hóa... Ngoài ra, phụ nữ dùng thuốc kháng đông làm tăng nguy cơ mang quái thai và sẩy thai.
Còn van sinh học có nguồn gốc từ động vật không cần dùng thuốc kháng đông nhưng sau 10-15 năm sẽ hư hỏng và cần mổ lại để thay van mới. Thay van nhân tạo cũng không phải là phẫu thuật được lựa chọn cho trẻ em vì vòng van nhân tạo làm cho vòng van tự nhiên không lớn lên được cùng với trẻ và trở nên hẹp khi trẻ lớn lên.
PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch BV ĐHYD, phân tích: “Cha đẻ của phương pháp này là GS Ozaki, người Nhật. Phương pháp Ozaki lấy màng ngoài tim của chính người bệnh để tái tạo thành van tim cho họ. Vì van tim được tái tạo từ một phần cơ thể của người bệnh nên khả năng dung nạp của cơ thể sẽ tốt hơn, giúp thời hạn sử dụng của van được kéo dài hơn. Với phương pháp này, người bệnh không dùng thuốc kháng đông suốt đời, giảm nguy cơ xuất huyết, nhiễm trùng van nhân tạo".
BS Định cho biết thêm, kỹ thuật Ozaki đã được áp dụng tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Tại khu vực phía Nam, BV ĐHYD là nơi đầu tiên áp dụng phương pháp này. Đặc biệt, người bệnh không mất chi phí mua van nhân tạo bởi van tim được làm từ màng ngoài tim nên chi phí rẻ hơn so với thay van nhân tạo.
Không chỉ dừng lại ở việc học hỏi và áp dụng thành công, BV còn tiên phong kết hợp kỹ thuật ít xâm lấn với phương pháp Ozaki. Phẫu thuật nội soi được áp dụng để lấy màng tim với vết mổ chỉ dài 6 cm, giúp người bệnh giảm đau đớn, ít mất máu và không cần phải cưa toàn bộ xương ức như phương pháp Ozaki kinh điển.
Nguồn: Báo Pháp Luật TPHCM