Độ pH và cách tạo ra nước kiềm
Nước có tính kiềm hay còn gọi là nước kiềm được xác định dựa trên độ pH của nước. Cụ thể, chỉ số pH đo nồng độ của các ion hydro trong dung dịch để đánh giá tính axit hoặc tính kiềm. Theo đó, độ pH lớn hơn 7 thì dung dịch có tính kiềm, pH càng lớn thì tính kiềm càng mạnh và ngược lại nhỏ hơn 7 nước sẽ có tính axit. pH bằng 7 được xem là nước trung tính. Nước tinh khiết có độ pH trung tính là 7, trong khi nước máy có một số thay đổi tự nhiên tùy thuộc vào hàm lượng khoáng chất của nó. Nước máy sau khi được lọc qua công nghệ RO sẽ có độ pH từ 6.5 đến 7. Hầu hết nước đóng chai có hơi tính axít, nước soda và nước hoa quả ép thậm chí có tính axít cao. Nước kiềm thường được xử lý bằng một thiết bị tạo ion, làm tăng độ pH thông qua một quá trình điện phân. Các nhà sản xuất máy lọc nước tạo nước kiềm công bố thiết bị của họ sử dụng quá trình điện phân để tách thành phần có tính axit và thành phần có tính kiềm từ nguồn nước đầu vào. Từ đó, họ có thể loại bỏ một số phân tử nước hoặc thêm vào electron để kiểm soát được chỉ số pH như mong muốn.
Giá thành một thiết bị tạo nước kiềm lên đến hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nước kiềm không đồng nghĩa với việc đã loại bỏ hết các vi khuẩn, chất rắn hòa tan trong nước.
Một số nghi vấn về lợi ích của nước kiềm
Trào lưu sử dụng nước kiềm có phần do người tiêu dùng chịu tác động của những lời quảng cáo “có cánh” của các nhà sản xuất giúp đẹp da, tăng cường sức khỏe và thậm chí là kháng được cả bệnh ung thư. Lý giải lợi ích của chế độ ăn uống tăng kiềm là giúp cơ thể chống lại axit (nhưng không phải axit nào cũng gây hại cho cơ thể). Nhờ hấp thu nhanh hơn các chất chống oxy hóa vào máu, nước kiềm giúp làm chậm quá trình lão hóa. Bên cạnh đó, nước kiềm giúp bảo vệ đường ruột vì có khả năng làm giảm quá trình oxi hóa bất lợi, tăng đề kháng, ổn định huyết áp, giảm cân.
Một số tuyên bố “mạnh miệng” khác là nước kiềm tăng cường hệ thống miễn dịch hỗ trợ, hydrat hóa tốt hơn, khả năng chống ung thư và các đặc tính giải độc. Những lời quảng bá đó khiến nhiều người có suy nghĩ uống nước ion kiềm là đã bảo đảm được sức khỏe trong khi chưa thực sự có nghiên cứu nào chuyên sâu và mang tính phổ quát về các công dụng này. Cần biết rằng, cơ thể của chúng ta có cơ chế tự điều chỉnh độ pH của máu về mức trung tính nếu có sự mất cân bằng diễn ra. pH trong máu phải ở mức cố định với biên độ dao động rất nhỏ, rất nghiêm ngặt so với độ lên xuống của cả đường máu và mỡ máu. Bên cạnh đó, cần xem xét các phương pháp kiềm hóa nước có phù hợp cùng nguồn nước sinh hoạt của môi trường sống hiện tại hay không. Các gia đình phải đảm bảo rằng, tiêu chuẩn đầu tiên cho nguồn nước sử dụng để uống hàng ngày phải là nước không chứa bất kỳ chất gây hại nào cho sức khỏe.
Nước kiềm có thể gây ra rủi ro nào không.?
Thiếu các nghiên cứu chất lượng và đủ rộng để khẳng định sử dụng nước kiềm như là một liệu pháp điều trị cho các vấn đề về sức khỏe hoặc lợi ích của nước kiềm. Các nghiên cứu về lợi ích của nước kiềm mới chỉ được thực hiện trên một số lượng rất ít người, chỉ khoảng 100 người hoặc thí nghiệm trên chuột nên rất khó có thể khẳng định về tính ứng dụng mang tầm phổ quát. Ngoài ra, chất lượng của các máy nước tạo kiềm phụ thuộc vào chất lượng nguồn nước đầu vào. Ví dụ, nếu sử dụng nước máy cho máy tạo kiềm sẽ không lọc được bất kỳ chất gây ô nhiễm chính nào như chì, thủy ngân, thuốc diệt cỏ, dược phẩm, thuốc trừ sâu... Như vậy, nước kiềm chỉ có tiêu chuẩn duy nhất về tính kiềm mà không đảm bảo được đó là nước không chứa chất gây hại cho cơ thể.
Theo một nghiên cứu của tổ chức công tác môi trường (EWG) tại Mỹ, hơn 316 chất gây ô nhiễm đã được tìm thấy trong nước uống. Hơn 60% các chất ô nhiễm này không có tiêu chuẩn và không được quy định. Uống nước kiềm cũng có rủi ro từ việc phá vỡ mức độ pH bình thường của cơ thể và có thể dẫn đến ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Một số trường hợp xấu, chế độ ăn uống kiềm có thể gây ra chứng nhiễm kiềm chuyển hóa - độ pH trong máu của bạn tăng lên trên mức bình thường gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn, run tay, co giật cơ và ngứa ran ở mặt, bàn tay hoặc bàn chân.
Cơ thể con người hoạt động với một hệ thống phức tạp và tinh tế để duy trì trạng thái cân bằng. Các cơ quan của cơ thể đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng hệ thần kinh, hệ tuần hoàn và tỷ lệ trao đổi chất, và mỗi cơ quan đều có mức độ pH riêng. Làm gián đoạn sự cân bằng này bằng cách uống nước kiềm là một rủi ro không cần thiết.
Nước uống không chỉ gần trung tính, mà còn được lọc để loại bỏ các chất gây ô nhiễm có hại như clo, chloramines, chì, thủy ngân, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi khác, là một phần quan trọng trong sức khỏe tổng thể. Mặc dù lợi ích có thể hấp dẫn, nhưng nước kiềm vẫn chưa được chứng minh là hoàn toàn có lợi cho sức khỏe và chưa có khuyến nghị chính thức nào về việc sử dụng hàng ngày.
Kiều oanh