Thông tin mô tả Dược Liệu
Mô tả cây: Cây gỗ nhỏ, cao 5-10m, nhánh không lông. Lá xoan ngọn giáo dài 8-12cm, rộng 3,5-5cm, đầu có mũi ngắn, màu lục bóng, có đốm trong; gân phụ cách nhau 4-5mm; cuống dài 1,3-2,5cm. Cụm hoa ngù ít hoa; nụ dài 1-1,5cm, tiết diện vuông; răng đài nhỏ; cánh hoa trắng. Quả hình bầu dục xoan ngược, màu đỏ đậm, dài 2,5cm, thường chỉ chứa 1 hạt.
Bộ phận dùng: Nụ hoa khô - Flos Caryophylli, thường gọi là Đinh hương
Nơi sống và thu hái: Gốc ở đảo Molluques cây được nhập trồng từ thế kỷ 18 vào nhiều nước châu Á, châu Phi. Nơi sản xuất nhiều nhất là Zangibar. Ta có nhập trồng ở miền Trung, nhưng ít phát triển. Cây đòi hỏi khí hậu khô và ẩm, độ cao thấp (dưới 200-300m). Người ta dùng nụ hoa khô tán bột làm hoàn tán, hoặc giã giập. Khi vào thuốc thang, nên bỏ sau cùng (vì có tinh dầu). Có khi mài với nước để uống.
Tác dụng: Vị cay ngọt, mùi thơm, tính nóng, có tác dụng kích thích, làm thơm, lợi trung tiện, làm ấm bụng, sát trùng. Nước sắc nụ Đinh hương có tác dụng đối với một số loại vi khuẩn đường ruột thuộc chi Shigella. Tinh dầu có tác dụng mạnh đối với nhiều loại vi khuẩn.
Đinh hương còn có tên khác là cống đinh hương, đinh tử.
Dược liệu đã sơ chế
Một số bài thuốc từ đinh hương: theo Bác sĩ Nguyễn Hữu Nam
Bài 1: Chữa đau nhức xương khớp do thời tiết: Đinh hương 20g, long não 12g, rượu trắng loại cao độ 250ml, hàng ngày lắc cho đều thuốc, ngâm trong 7 ngày liền. Lấy thuốc xoa bóp nơi khớp đau nhức, ngày 2 lần.
Bài 2: Sát khuẩn chân răng, chữa sưng đau răng do viêm: Đinh hương, xuyên tiêu mỗi vị 20g, tán bột mịn, bôi hàng ngày nơi đau.
Bài 3: Trị chứng viêm loét miệng: Đinh hương 5g, tán bột mịn, cho ít nước sôi để nguội cho ngấm đều thành nước sền sệt (sau 3 giờ). Dùng tăm bông chấm vào nước thuốc này bôi vào nơi viêm. Hàng ngày cần súc miệng nước muối loãng nhiều lần, chữa liền 5 ngày.
Lưu ý: Phân biệt nụ đinh hương với hoa cây nụ đinh là loại bé hơn, không thơm, khi khô đầu nụ teo lại. Những người hư hàn thì không nên dùng.