Vấn đề luân hồi và hiện tượng bất công trong xã hội

Ngày xưa thì khó tin thật nhưng bây giờ rất dễ tin, tất cả muôn sự muôn vật ở thế gian này nó là sự chuyển biến chứ không có gì mất hẳn. Gần nhất là quả đất mình đang sống, nó xoay vòng vòng hoài tức là luân hồi chứ gì? Còn thời tiết thì cứ xuân, hạ, thu, đông trở đi trở lại hoài cũng là luân hồi. Cho đến trong người mình máu huyết lưu thông từ tim ra mạch, từ mạch trở về tim, cứ như vậy mà chuyển biến luôn luôn.

HỎI:

1. Kính bạch Thầy, với cái nhìn khoa học không làm sao giải thích rốt ráo được vấn đề sinh tử, con người từ đâu có và khi chết còn hay mất? Kính mong Thầy từ bi giảng dạy. 

2. Làm sao biết được vấn đề luân hồi để giải thích hiện tượng bất công trong xã hội?

ĐÁP: theo Hòa thượng Thích Thanh Từ

1. Câu hỏi này rất khó trả lời, nhưng chúng tôi cũng dùng phương tiện tạm trả lời cho quí phật tử hiểu. Con người từ đâu có, nếu trả lời theo thực tế thì dễ lắm! Từ cha mẹ mà có mình phải không? Còn hỏi con người nguyên thủy từ đâu có? Nghĩa là từ đâu có con người ban đầu thì hơi khó một chút. Vì trong nhà Phật không trả lời đơn giản từ cái nào có, mà nhà Phật luôn luôn nói con người từ nhân duyên mà có. Đối với cái nhìn của Phật giáo không có cái gì từ một nhân mà thành, nó không tự có cái đầu tiên, mà do nhiều nhân duyên hợp lại. Cho nên hỏi từ đâu mà có con người thì nhà Phật nói: Từ nhân duyên mà có con người. 

Nói như vậy nhiều người không thỏa mãn, họ muốn có ai đó sinh ra con người, như nói tạo hóa sinh ra con người chẳng hạn, nhưng nhà Phật không chấp nhận lý đó. Theo Phật thì không có cái gì từ một nhân mà thành, mà phải đủ nhân đủ duyên mới được sinh ra. Hiện giờ khoa học cũng thừa nhận muôn sự muôn vật ở thế gian không đơn thuần từ một nhân được thành, mà phải có nhiều nhân duyên hợp lại mới thành. Tinh thần khoa học và Phật học cũng đồng như vậy.

Hỏi người chết rồi còn hay mất? Nếu nói tổng quát là mất, nhưng mất cái tứ đại tạm bợ giả hợp chứ bản chất của tứ đại thì không mất. Cũng vậy, về phần tinh thần tạm mất cái giả tướng tụ hợp tạm gá nơi cơ thể này (vì thân mất không còn gá được nữa) chứ không phải là mất hẳn.

2. Làm sao biết được vấn đề luân hồi để có thể giải thích được hiện tượng bất công trong xã hội? Nếu chúng ta biết phần tinh thần không mất hẳn cũng không phải còn hẳn, bây giờ làm sao biết được vấn đề luân hồi là có thật để rồi giải thích những hiện tượng bất công trong xã hội. Cái bất công này tôi không nói về tổ chức của xã hội mà bất công ngay nơi con người với con người, như sinh ra có người đẹp, người xấu, người tật nguyền, người lành lặn v.v... Cái bất công đó không phải do người ta áp đặt cho mình, mà khi sinh ra mình đã mang sẵn tính chất bất công trong đó. Vậy làm sao giải thích được để chúng ta thừa nhận cái bất công đó là do mình tạo trải qua những kiếp luân hồi. 

Bây giờ tôi nói giản đơn từ kinh nghiệm gần cho tới kinh nghiệm xa để quí vị thấy về lý luân hồi. Ngày xưa thì khó tin thật nhưng bây giờ rất dễ tin, tất cả muôn sự muôn vật ở thế gian này nó là sự chuyển biến chứ không có gì mất hẳn. Gần nhất là quả đất mình đang sống, nó xoay vòng vòng hoài tức là luân hồi chứ gì? Còn thời tiết thì cứ xuân, hạ, thu, đông trở đi trở lại hoài cũng là luân hồi. Cho đến trong người mình máu huyết lưu thông từ tim ra mạch, từ mạch trở về tim, cứ như vậy mà chuyển biến luôn luôn. 

Xa hơn nữa là từ đời này sang đời khác, cái khoảng cách đó không có hiện tượng gì để chứng minh được, nhưng mà nó có mang cái bản chất cụ thể của nó. Như có những đứa bé sinh ra chưa ai dạy nó tu mà nó không chịu ăn mặn lại ăn chay. Lại có những đứa bé bảy, tám tuổi học ít mà biết nhiều, nó học vượt bậc gọi là thần đồng. Tại sao lại có những hiện tượng lạ đó? Chẳng hạn ngay nơi bản thân tôi lúc nhỏ tôi có biết gì về đạo Phật đâu mà tôi lại thương đạo Phật, mỗi lần tôi nghe tiếng chuông chùa là tôi buồn ghê lắm, như là nhớ ông nhớ bà, nhớ cái gì xa xôi ở quá khứ vậy. Nếu trước tôi không có chủng tử tu theo đạo Phật thì cái gì thúc đẩy khi tôi chưa được ai giáo hóa, chưa được đọc sách Phật, tôi lại thương đạo Phật, nghe tiếng chuông mà buồn, mà nhớ cái gì xa xôi ở quá khứ! 

Tôi quyết chắc rằng nhờ chủng tử từ đời trước thúc bách, nếu không, chắc tôi chưa đi được vì hoàn cảnh chưa cho phép. Nhờ chủng tử đạo Phật ở đời trước có rồi, nên khi ra đời dù ở hoàn cảnh nào cũng trở về với Phật. Thế nên trên thế gian này mỗi người sinh ra đã mang sẵn chủng tử đời trước, gặp duyên gợi lại nó liền trồi lên, đó là luân hồi. Nếu hiểu như vậy thì biết được sự bất công trong xã hội này là do phước nghiệp lành dữ của mình đã tạo, chứ không phải ngẫu nhiên mà có. Do đó mình không oán trách ai mà lo tu sửa bản thân mình.

Nguồn: GHPGVN