Tài sản, thu nhập nào phải kê khai?
Theo Điều 34, Luật PCTN (sửa đổi), người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm: cán bộ, công chức; sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp.
Người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cũng thuộc diện có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.
Vậy loại tài sản, thu nhập nào phải kê khai? Luật PCTN (sửa đổi) đã quy định rõ vấn đề này. Cụ thể gồm: quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai.
Luật giao Chính phủ quy định mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập và việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập.
Trong quá trình thảo luận Luật PCTN (sửa đổi), có ý kiến cho rằng, việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức là không khả thi.
Tuy nhiên, theo nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức nhằm mục đích chủ yếu là tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi tài sản, thu nhập có biến động trong năm từ 300 triệu đồng trở lên…, những đối tượng này không phải kê khai hàng năm.
Luật PCTN (sửa đổi) đã quy định áp dụng phương thức kê khai tài sản, thu nhập phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau.
Theo đó, chỉ người giữ chức vụ từ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao (làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác) mới phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm.
Việc kê khai của những người này phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 hằng năm nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn
"Luật quy định mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai lần đầu nhưng đã thu hẹp diện đối tượng phải kê khai thường xuyên, kê khai hàng năm là phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và bảo đảm tính khả thi”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết.
Công khai bản kê khai tài sản tại nơi làm việc
Luật PCTN (sửa đổi) quy định rõ, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo dõi biến động về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thông qua phân tích, đánh giá thông tin từ bản kê khai hoặc từ các nguồn thông tin khác.
Trường hợp phát hiện tài sản, thu nhập có biến động từ 300 triệu đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai không kê khai, thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền yêu cầu người đó cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan; trường hợp tài sản, thu nhập có biến động tăng thì phải giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.
Cũng theo quy định tại Điều 39 Luật PCTN (sửa đổi), bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.
Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.
Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai theo quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Bản kê khai của người dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước khi bầu, phê chuẩn. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bản kê khai của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp Nhà nước được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết về thời điểm, hình thức và việc tổ chức công khai bản kê khai.
Luật PCTN hiện hành đang áp dụng chung một biện pháp kê khai, theo dõi biến động, xác minh tài sản đối với mọi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà không phân biệt đối tượng để có mức độ kiểm soát khác nhau, phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, trong khi số đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập là rất lớn. Đây chính là hạn chế, vướng mắc lớn trong kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua.
Thảo Nguyên