Chư tôn đức Phật giáo H.Quế Sơn và con cháu cụ Nghệ xác nhận cụ tinh tấn, trường chay, không khổ như bài báo trên Vietnamnet
Không có chuyện cụ bà ăn chay trường thèm "bữa cơm ngon"
Anh Giang kể, hình ảnh một cụ bà ở H.Quế Sơn (Quảng Nam) mấy ngày qua thu hút rất nhiều sự quan tâm của các tấm lòng thiện tâm. Rất nhiều anh chị em, cô chú đã liên lạc nhờ xác minh, giúp đỡ, cứu đói cho bà
Qua tìm hiểu, anh Giang xác nhận, bà là một Phật tử tín tâm, thường xuyên đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, ăn chay trường đã 5 năm nay. Và, những gì mà thông tin đưa lên báo, lên mạng, đa phần là không chính xác về bà.
Tìm hiểu của PV Giác Ngộ về trường hợp anh Giang nêu trên thì được biết, hình ảnh xuất phát từ một bài báo trên Vietnamnet, có tựa "Cụ bà 80 tuổi ước được ăn một bữa cơm ngon, sợ chết không ai lo đám" đăng ngày 20-12-2018.
Theo bài báo trang báo điện tử này, nhiều năm nay, người dân ở thôn Lộc Đại (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã quen thuộc với hình ảnh một cụ bà gầy tong teo, lưng còng rạ gần sát đất, ngày qua ngày lang thang khắp các con đường làng hái từng cọng rau dại đem về “lót dạ” qua ngày. Ở cái tuổi gần đất xa trời, cuộc sống của bà Trần Thị Nghệ (SN 1933) chưa một lần có được một bữa cơm ngon đúng nghĩa.
Căn nhà tềnh toàng nằm sâu hun hút trong con hẻm đầy bùn lầy là nơi sinh sống của cụ Nghệ. Đồ đạc trong nhà đều đã cũ kỹ theo thời gian, dường như không còn sử dụng được. Cảm thương cho hoàn cảnh của cụ, chính quyền địa phương và bà con lối xóm đã gom góp, cất cho cụ một căn nhà tình nghĩa để cụ có chỗ trú nắng mưa.
Bài báo còn miêu tả chi tiết: Ngồi co ro bên căn bếp nhỏ bụi bặm, cụ Nghệ cố nhíu đôi mắt đang dần mờ đi vì tuổi già lại để nhìn thật rõ từng đường dao gọt chuối… Do hôm nay đau chân, không đi hái rau được nên cụ đành ra sau vườn, hái vài trái chuối non định luộc chấm muối ăn thay bữa cơm tối.
Sinh ra trong một gia đình nghèo nên từ nhỏ, cụ Nghệ đã không được học hành. Gia đình lại không có đất nên cụ chỉ có thể đi làm thuê mưu sinh. Năm nay cụ đã 80 tuổi, cái tuổi lẽ ra đang được an dưỡng tuổi già bên con cháu, thế nhưng cả cuộc đời, cụ chỉ lủi thủi một mình.
Bạn Lê Khắc Lập, cháu gọi cụ Nghệ là bà cố, thống thiết bày tỏ: Rất mong mọi người hãy dừng chia sẻ thông tin này, trong bài báo có rất nhiều lời nói quá và sai sự thật vì bà đang bị người viết bài lợi dụng.
Bạn Lập đính chính các thông tin trong bài viết là không chính xác:
- Bà KHÔNG đi hái rau dại dọc đường để "cầm đói" qua ngày. Bà thường nhờ gửi cô hàng xóm (hay đi chợ) mang ít rau củ về nấu bữa cơm chay. Thi thoảng bà cũng hay đi chợ. Bà là người đi chùa và ăn chay trường. Bữa cơm của bà có phần đạm bạc nhưng không phải "cầm đói" như nhà báo viết.
- Căn nhà tềnh toàng nằm sâu hun hút trong con hẻm đầy bùn lầy là thông tin SAI. Thực tế căn nhà nằm cách đường bêtông nông thôn chỉ 50m, đường xe ôtô vào tận nhà. Đường đất thông thoáng, có rất nhiều nhánh sang hàng xóm chứ không sâu hun hút và không bùn lầy.
- Chính quyền địa phương và bà con lối xóm cất cho bà một căn nhà tình nghĩa là SAI. Căn nhà này do đích thân ba mình xây từ năm 1997, qua 2 lần tu sửa vào năm 2003 và 2008. Ảnh ngôi nhà mục nát trên trang báo cũng không phải nhà của bà.
- Trong nhà chỉ có mình bà vì bà thích ở một mình nhưng con cháu của bà sống xung quanh đó và trong thôn Lộc Đại. Thôn dân cư đông đúc, hàng xóm cũng thường hay ghé qua nhà bà uống cốc chè xanh và trò chuyện cùng nhau.
- "... chỉ mong sao ông trời còn thương hại thì cho tôi được ăn một bữa cơm ngon, có đầy đủ cá thịt..." - mình ĐẢM BẢO đây không phải là lời nói của bà, vì bà đi chùa, ăn chay trường đã được gần 5 năm nay, người ăn chay trường thì làm sao lại mong bữa cơm đầy đủ cá thịt?
Bạn có like, share có trách nhiệm?
Like, share có trách nhiệm là vấn đề được đặt ra trước tình trạng tin giả, tin sai sự thật nhưng cộng đồng không hề có ý thức kiểm tra đã vội nhấn nút quan tâm, chia sẻ, góp phần làm cho cái xấu, cái không thật được lan tỏa, có thể gây hậu quả nghiêm trọng, đánh mất niềm tin vào cuộc sống.
Theo khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS), các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam thể hiện tập trung: nói xấu, phỉ báng (61,7%), vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%), kỳ thị dân tộc (hơn 37%), kỳ thị giới tính (hơn 29%), kỳ thị khuyết tật (21,7%), kỳ thị tôn giáo (hơn 15%).
Bạn đọc có suy nghĩ gì về những thông tin không thật hay chỉ là một phần nhỏ sự thật được khai thác trên mạng xã hội, một số báo hiện nay? Chia sẻ và góc nhìn trao đổi có thể gửi về: onlinegiacngo@gmail.com.