Chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều trị cho người bệnh sẽ chính thức được áp dụng theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 31/2018/TT-BYT, sẽ được thực hiện từ 1/1/2019.
Chương trình này do các cơ sở kinh doanh dược thực hiện, áp dụng với người bệnh đang điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh trong một khoảng thời gian nhất định.
Người bệnh tham gia chương trình phải thuộc đối tượng áp dụng của chương trình hỗ trợ thuốc và được chẩn đoán xác định bệnh phù hợp với phạm vi chỉ định của chương trình hỗ trợ thuốc; phải được cung cấp thông tin, tư vấn đầy đủ và đồng ý, tự nguyện tham gia chương trình.
Trêu ghẹo nhân viên hàng không bị phạt đến 5 triệu đồng
Từ ngày 15/1/2019, Nghị định 162/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hàng không dân dụng sẽ chính thức có hiệu lực.
Một trong những quy định mới của Nghị định này là xử phạt từ 3-5 triệu đồng đối với người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không, hành khách hoặc người khác tại cảng hàng không, sân bay.
Mức phạt này cũng áp dụng với người có hành vi đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không, hành khách trên máy bay. Đối với hành vi hành hung nhân viên hàng không, hành khách, người khác tại cảng hàng không, sân bay, mức phạt từ 7-10 triệu đồng.
Tăng lương cơ sở lên 1,49 triệu đồng
Cùng với việc tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1, việc tăng lương cơ sở cũng được dư luận quan tâm. Theo đó, Nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 do Quốc hội thông qua ngày 9/11/2018 nêu rõ: Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng.
Chính phủ cũng phải điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở. Thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2019.
Tất cả cán bộ, công chức phải kê khai tài sản
Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN - sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai lần đầu đến tất cả cán bộ, công chức, nhưng thu hẹp diện phải kê khai thường xuyên, kê khai hàng năm…
Theo Điều 34, Luật PCTN (sửa đổi), người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm: cán bộ, công chức; sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp.
Người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cũng thuộc diện có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.
Luật quy định rõ loại tài sản phải kê khai vấn gồm: quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai.
Luật giao Chính phủ quy định mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập và việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Bản kê khai tài sản phải được công khai tại nơi làm việc
Bằng đại học chính quy và tại chức có giá trị như nhau
Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 được Quốc hội ngày 19/11/2018 với nhiều điểm mới quan trọng, trong đó có quy định về văn bằng giáo dục đại học, sẽ có hiệu lực từ 1/7/2019.
Luật hiện hành quy định (điều 38 Luật Giáo dục đại học 2012) văn bằng giáo dục đại học được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp một trình độ đào tạo theo một hình thức đào tạo, gồm bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ. Tức là người học theo học hình thức đào tạo nào thì khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng tương ứng với hình thức đào tạo đó.
Tuy nhiên, quy định này được sửa đổi tại khoản 23 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018. Cụ thể, văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
Như vậy, quy định mới ghi nhận bằng cử nhân là văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, không quy định hình thức đào tạo trên văn bằng. Do đó, bằng đại học dù được đào tạo chính quy hay tại chức, từ xa, liên thông... có giá trị ngang nhau.
Quy định mới tạo điều kiện cho sinh viên theo học các hình thức đào tạo khác nhau khi tốt nghiệp đại học có cơ hội ngang nhau trong việc công nhận văn bằng, tuyển dụng lao động.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy, quy định mới khuyến khích cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên; phát triển, ưu đãi đội ngũ giáo sư đầu ngành để phát triển các ngành đào tạo.