Tổng cộng có 119.373 người đã tham gia dự án nghiên cứu, trong đó sử dụng dữ liệu di truyền và các dấu ấn sinh học khác, cũng như các nguy cơ mắc ung thư và các bệnh mãn tính khác từ lối sống.
Khi đăng ký tham gia nghiên cứu, không một người tham gia nào bị mắc bệnh tiểu đường. Chi tiết về các loại trà và lượng trà uống đã được thu thập trong cuộc khảo sát.
Các chuyên gia nghiên cứu từ Đại học Fudan của Trung Quốc, Đại học Vanderbilt ở Mỹ và các tổ chức nghiên cứu khác cho biết sau quá trình khảo sát, họ phát hiện cả phụ nữ và nam giới tham gia nghiên cứu đều tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 nếu họ uống nhiều trà.
Các nhà nghiên cứu lưu ý sự liên quan giữa liều lượng trà xanh và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 không ảnh hưởng do béo phì và hút thuốc.
Nhóm nhà khoa học trên đã kêu gọi nghiên cứu sâu hơn về cơ chế liên quan giữa uống trà và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường vì có thể dư lượng thuốc trừ sâu trong lá trà có thể đóng một vai trò trong mối liên quan này.
Trà xanh là một loại đồ uống phổ biến được tiêu thụ trên toàn thế giới. Trong những năm gần đây, trà xanh đã trở nên phổ biến như một thức uống sức khỏe. Nhưng các nhà nghiên cứu đã có những phát hiện không thống nhất về mối liên quan giữa uống trà xanh và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Một nghiên cứu của Nhật Bản được công bố trên tạp chí Biên niên sử Nội khoa năm 2006 cho biết những người thường xuyên uống trà xanh từ sáu tách mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 thấp hơn 33% so với những người chỉ uống một tách hoặc ít hơn mỗi tuần.
Một nghiên cứu tại Hàn Quốc được công bố trên tạp chí BioFactors năm 2007 cho biết những người mắc bệnh tiểu đường nên uống ít trà xanh vì các nghiên cứu cho thấy lượng trà xanh cao có thể làm tăng lượng đường trong máu ở chuột./.
TTXVN