Đó là khẳng định của anh Nguyễn Thành Hải - nghiên cứu sinh tại Mỹ.
Ở bài viết “Lấy dấu vân tay định hướng tương lai cho trẻ: 3 triệu có giúp con bạn thành công?” báo Infonet đã đề cập tới phương pháp sinh trắc học dấu vân tay mà hiện nay nhiều phụ huynh đang tin tưởng, đồng thời dùng nó để định hướng tương lai cho con em mình.
Tuy nhiên, có nhiều người thắc mắc, liệu loại hình dịch vụ này có đáng tin cậy hay thực chất là hình thức “móc túi” những phụ huynh cả tin?
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng anh Nguyễn Thành Hải – Nghiên cứu sinh Giáo dục Khoa học tại ĐH Missouri (Mỹ).
Nghiên cứu sinh Nguyễn Thành Hải chia sẻ, thực tế sinh trắc học dấu vân tay là một nhánh nhỏ thuộc ngành sinh trắc học, kết hợp giữa thống kê sinh học và ngành dịch tễ học, ngành chuyên phân tích các mô hình, đặc điểm thống kê, tình trạng sức khỏe người dân, tìm hiểu nguyên nhân và các yếu tố liên quan ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe đó dựa trên các chứng cứ khoa học cụ thể.
"Sinh trắc dấu vân tay chủ yếu được nghiên cứu ứng dụng trong nhận diện cá nhân, phục vụ mục đích an ninh và sức khoẻ cộng đồng.
Chưa có công trình nghiên cứu sinh trắc học dấu vây tay nào dùng trong mục đích tư vấn tâm lý và chẩn đoán trí thông minh, tính cách và khả năng tương lai do các nhà khoa học hay viện nghiên cứu uy tín nào trên thế giới thực hiện.
Ngược lại, mối liên hệ giữa dấu vân tay với trí thông minh được xem là một sự ngộ nhận và giả khoa học.
Đã từng có nhiều các nhà khoa học phản đối việc sử dụng sinh trắc học dấu vấn tay vào việc tiên đoán tương lai, năng lực và tính cách của con người.
Tôi xin đưa một trích đoạn của một bác sĩ y khoa Tracey Magrann tại Mỹ trả lời về vấn đề này trên trang Quora. Có thể tạm dịch như sau: “Phân tích đa thông minh dựa vào sinh trắc học dấu vân tay là khi bạn đưa dấu vân tay cho một phòng thí nghiệm rồi sau đó người ta nói rằng họ có thể tiên đoán được trí thông minh của bạn, tính cách của bạn, năng khiếu của bạn, v.v… Điều đó hoàn toàn là giả dối.
Dấu vân tay không di truyền. Dấu vân tay chỉ được tạo ra bởi lớp da trong bào thai khi tiếp xúc bên trong túi nhau thai vào khoảng 10 tuần tuổi.
Đó là lý do tại sao mà không có hai dấu vân tay nào có vẻ giống nhau, thậm chí đối với cả trẻ em sinh đôi. Chính vì dấu vân tay không di truyền, nên chúng chẳng có gì liên hệ với chức năng và khả năng của bộ não cả”.
Tôi sẽ phân tích sâu hơn về những lý do khiến sinh trắc dấu vân tay có những nghi ngờ về thiếu tính khoa học và logic:
Lý do thứ nhất: Cơ sở dữ liệu không rõ ràng. Các công ty dịch vụ về sinh trắc học dấu vân tay không công bố là cơ sở dữ liệu nào họ đã dùng để phân tích dấu vân tay cho khách hàng. Đây là một điểm mấu chốt vô cùng quan trọng.
Chẳng hạn, nếu đó là cơ sở dữ liệu thu thập được từ những người sống gốc Châu Mỹ sẽ không thể dùng để phân tích cho người gốc Châu Á được. Ngoài ra cách chọn mẫu cũng rất quan trọng, có thể ảnh hưởng và làm sai lệch kết quả phân tích số liệu.
Ví dụ: Có đảm bảo cỡ mẫu đủ lớn, đa dạng và ngẫu nhiên, đảm bảo tiêu chuẩn khoa học của chuyên ngành dịch tễ học thống kê. Cũng như nếu cơ sở dữ liệu đó thu thập được từ những người sống ở thế kỷ 20 thì không thể phân tích cho những người đang sống ở thế kỷ 21 được, khi mà môi trường sống đã thay đổi quá nhiều, yếu tố xã hội xung quanh tác động rất lớn đến hành vi và nhận thức của con người.
Lý do thứ hai: Tiêu chí dùng để phân tích sự phát triển của não bộ, tính cách, trí thông minh, kiểu học… không phản ánh hết sự phát triển tiềm năng của con người. Hầu hết các công ty dịch vụ đều dùng những từ ngữ bóng bẩy, có tính tích cực để nói về tiềm năng con người.
Điều này dễ làm các khách hàng hài lòng, hứng thú. Mặt khác, nếu dựa trên cơ sở dữ liệu sinh trắc học dấu vân tay cũng có thể dự đoán về những tiêu chí khác như: Bệnh tật, khả năng tự tử, khả năng gây tội phạm, rối loạn về giới tính, rối loạn về tâm sinh lý… cũng có thể phân tích được.
Tuy nhiên các công ty dịch vụ không bao giờ phân tích và tiết lộ những đặc điểm này với khách hàng. Điều đó cho thấy tính chất thiên lệch có chủ ý và thiếu thông tin toàn diện của dịch vụ sinh trắc dấu vân tay.
Lý do thứ ba: Thiếu bằng chứng khoa học. Nếu tra cứu trong các cơ sở dữ liệu khoa học uy tín đã được công bố, cho đến nay chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ ra được mối liên hệ rõ ràng giữa dấu vân tay và trí thông minh, cũng như tính cách con người ở quy mô toàn cầu.
Mặc dù, có một vài nghiên cứu nhỏ đã thực hiện, chủ yếu công bố ở các tạp chí tuy tín ở châu Á và ít được trích dẫn, và gây nhiều chỉ trích trong giới dịch tễ học và giáo dục học.
Hiện nay các ngành tâm lý học và giáo dục học hiện đại đều chỉ ra rằng: Sự phát triển về nhận thức của con người phụ thuộc vào các rất nhiều yếu tố môi trường xã hội, văn hóa, phương pháp giáo dục và đặc điểm riêng di truyền của mỗi cá nhân.
Vì thế, việc dự báo tính cách và trí thông minh của trẻ thông qua sinh trắc dấu vân tay là chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục. Khoa học là phải dựa vào bằng chứng, và bằng chứng phải được công khai, được lặp lại và phản biện trong cộng đồng khoa học, đảm bảo tính khách quan và đúng phương pháp khoa học.
Lưu ý: Dấu vân tay không di truyền, nên con cái có dấu vân tay hoàn toàn khác cha mẹ. Do vậy, nếu loại bỏ hoàn toàn yếu tố di truyền để nói về khả năng của trẻ trong tương lai là hoàn toàn phản khoa học! Mối liên hệ giữa vân tay và năng khiếu hiện nay bị xem là sự ngộ nhận và giả khoa học.
Lý do thứ tư: Phần lớn đội ngũ tư vấn sinh trắc học dấu vân tay hiện nay không được đào tạo trình độ đúng chuyên môn. Điều này hết sức nguy hiểm. Hiện nay, Việt Nam chưa có trường đạo tạo ngành sinh trắc học và cũng chưa có ngành tư vấn giáo dục tiềm năng con người ở trình độ đại học.
Các công ty dịch vụ đều mua bản quyền từ một công ty mẹ (thường từ Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc) và rồi tự đào tạo đội ngũ nhân viên cho mình thông qua một vài buổi huấn luyện. Tuy nhiên, việc kiểm tra và kiểm định chất lượng của các khoá tập huấn đó hiện nay đều chưa có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm.
Các nhân viên không có chuyên môn thật sự về hệ thống sinh trắc học cũng như về tâm lý học tư vấn, nghĩa là không có ai có bằng cử nhân hoặc cao học về các chuyên ngành trên.
Ví dụ: Nếu theo luật hoạt động dịch vụ ngành nghề tại Mỹ, bắt buộc các công ty dịch vụ tư vấn phải có nhân viên có trình độ chuyên môn theo đúng ngành nghề tạo đạo, ví dụ: tư vấn sức khoẻ, tư vấn luật, đều phải có chứng chỉ hành nghề.
Đặc biệt đối với ngành nghề tư vấn tâm lý, do tâm lý có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người, nên các tiểu bang quy định rất khắt khe về bằng cấp và chứng chỉ hành nghề, thông thường cao tương đương với bác sĩ y khoa.
Tôi thấy thật kỳ lạ là nhiều gia đình chấp nhận bỏ hàng trăm đôla, thậm chí cả ngàn đôla để cho một nhân viên tư vấn hoàn toàn không có chuyên môn (nếu có chỉ là tham gia khóa tập huấn ngắn hạn vài tháng) để tư vấn về cả tương lai và năng khiếu cho các con của mình.
Thật là vô lý hết sức. Sao mọi người có thể nhẹ dạ và cả tin đến thế? Trong khi một bác sĩ phải mất 6-7 năm mới có thể ra trường đi làm bác sĩ nội trú, một giáo viên phải trải qua 4 năm đào tạo bài bản thì mới được đứng lớp dạy học trò, một luật sư cũng phải mất 4-5 năm mới có thể tư vấn về pháp luật cho người dân….
Ngành nghề nào cũng đòi hỏi phải được đào tạo bài bản, đối với ngành nghề tư vấn tâm lý giáo dục càng phải đòi khỏi có chuyên môn chặt chẽ hơn.
Thực tế ở Mỹ dịch vụ tư vấn tâm lý đòi hỏi rất khắt khe, do vậy mô hình dịch vụ tư vấn sinh trắc dấu vân tay gần như không tồn tại, nếu có chỉ là một hoạt động nhỏ trong rất nhiều hoạt động tư vấn khác.
Theo quan điểm giáo dục và hướng nghiệp hiện nay tại Mỹ, tạo điều kiện môi trường và cơ hội cho trẻ phát triển và bộc lộ khả năng trong quá trình học tập và vui chơi là ưu tiên hàng đầu.
Các kết quả đánh giá thực nghiệm trong quá trình giáo dục và đào tạo được xem là đáng tin cậy hơn. Cho dù các công ty dịch vụ có hay không nói con bạn có trí thông minh, thì bạn vẫn phải cho con bạn tham gia chơi các hoạt động vui chơi và học tập đa dạng để trẻ bộc lộ khả năng và phát triển toàn diện…
Theo Hiệp hội nhi khoa Mỹ, trẻ nhỏ cần môi trường học đa dạng để trẻ được trải nghiệm và bộc lộ khả năng, vừa phát triển trí tuệ, vừa phát triển cảm xúc.
Lưu ý rằng, trí thông minh cảm xúc cũng được xem là một yếu tố quan trọng trong sự thành công của trẻ. Trí thông minh cảm xúc thuộc phạm vi nhận thức xã hội theo thời gian trong môi trường cụ thể, nên rất cần môi trường giáo dục lành mạnh để nuôi dưỡng trẻ.
Ngoài ra, việc sử dụng dịch vụ sinh trắc dấu vân tay bộc lộ rất nhiều nguy cơ và rủi ro nguy hiểm".