Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu cây Đề
Đề hay Đa bồ đề - Ficus religiosa L., thuộc họ Dâu tằm - Moraceae.
Mô tả: Cây gỗ lớn, hoàn toàn nhẵn. Lá hình thoi - tam giác, cụt hay hơi hình tim ở gốc, hầu như tù và đột nhiên thành đuôi ở chóp dài 2-3cm, mỏng, giòn, dài 7-12cm, rộng 7-10cm; cuống mảnh, dài 5-8 cm. Quả dạng sung, xếp 1-2 cái trên các nhánh có lá, không cuống, hình cầu, đường kình 7-8mm, lúc chín có màu đỏ đậm.
Hoa quả tháng 1-4.
Bộ phận dùng: Vỏ cây, quả, lá - Cortex, Ficus et Folium Fici Religiosae.
Nơi sống và thu hái: Gốc ở Ấn Độ, trồng ở đồng bằng và vùng núi, thường trồng ở các đình chùa, các chợ, công viên.
Thành phần hoá học: Vỏ cây chứa 4% tanin. Mủ chứa nhựa; trong mủ đông khô có 85% nhựa và 12% cao su.
Tính vị, tác dụng: Vỏ làm săn da; quả nhuận tràng, làm toát mồ hôi, trấn kinh; hạt làm mát, giải nhiệt; lá và nhánh non xổ. Nước chiết vỏ có tác dụng ngăn cản hoạt động của các vi khuẩn Staphylococcus và Escherichia coli.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Vỏ thân được dùng ở Trung Quốc làm thuốc súc miệng chữa đau răng và làm chắc răng. Ở Ấn Độ, người ta dùng vỏ trị bệnh lậu. Ta thường dùng vỏ cây nấu nước rửa chữa lở loét và bệnh ngoài da. Ở Ấn Độ, nước pha vỏ dùng uống trong trị bệnh ghẻ. Vỏ cây có thể dùng thay chay để ăn với trầu. Quả (cụm hoa) dùng giải nhiệt, làm dễ tiêu hoá; hạt giúp giải khát. Lá và nhánh non gây tẩy, nhưng dịch lá tươi lại trừ được ỉa chảy và cả trong trường hợp nghi là dịch tả, mỗi lần dùng 1 thìa cà phê dịch tươi và đường, cách 2 giờ lại uống cho đến khi hết nôn tháo ra.
Hình ảnh cây Đề hay Đa bồ đề - Ficus religiosa