Đường lên chùa Long Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam
Theo sử sách, chùa Long Đọi Sơn nằm trên thế đất Cửu Long, bởi lẽ toàn cảnh núi Đọi trông xa giống như một con rồng đất lớn nằm giữa một dải đất rộng bằng phẳng của vùng chiêm trũng, đầu núi Đọi hơi nhô cao về hướng Thăng Long. Đứng trên đỉnh núi có thể nhìn thấy 9 con đường và sông chạy về giống như 9 con rồng. Mắt rồng là 9 cái giếng hiện nằm xung quanh dãy núi Đọi trong các khu dân cư, dưới chân núi.
Từ dưới chân núi Đọi, qua 373 bậc thang bằng đá uốn quanh dưới bóng cây xanh mát dẫn du khách đến với quần thể di tích chùa, có khuôn viên rộng tới 10.000 m2. Ấn tượng ban đầu của mọi người khi đến đây đó là sự thanh bình, yên tĩnh dưới những tán cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi và vẻ đẹp rêu phong cổ kính của kiến trúc lâu đời. Ngoài chùa Long Đọi Sơn, đi vào phía sau chùa chính là sân, vườn hoa, hai bên hành lang là nơi đặt tượng các vị La Hán, sau cùng là hậu điện và nơi trưng bày các di vật kiến trúc cũ đã được khai quật. Bên phải chùa, cạnh vườn hoa là nhà thờ tổ, nhà giảng đường và nhà khách.
Trải qua gần 1.000 năm tuổi với biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nhưng ngôi chùa vẫn hiên ngang đứng trên núi Đọi. Tại đây, hiện vẫn còn lưu giữ rất nhiều tác phẩm nghệ thuật qua các giai đoạn như tấm bia "Sùng Thiện Diên Linh"; tượng Quan Âm Thị Kính, tượng Dị Lặc bằng đồng nặng 1 tấn đúc vào 1864… Trong số này, bia Sùng Thiện Diên Linh là tấm bia cổ gần 900 năm tuổi được xem là một báu vật độc đáo của chùa Đọi, bởi tấm bia được xem là một công trình nghệ thuật điêu khắc đặc sắc thời Lý cao hơn 2,5 m, rộng 1,75 m, dày 0,3 m đặt ở ngay cổng chính, trước tòa tam bảo.
Bia cổ gần 900 năm tuổi - Bảo vật Quốc gia ở Chùa Long Đọi Sơn
Bia phản ánh các đức tính cao cả, tốt đẹp của vua Lý Nhân Tông, phản ánh tinh thần sùng Phật của Đại Việt thời Lý, phản ánh một nghi lễ và lễ hội đặc sắc của thời Lý
Sử cũ ghi lại, bia "Sùng Thiện Diên Linh" được dựng vào ngày mồng 6 tháng 7 năm Tân Sửu, niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (năm 1121), do đích thân vua Lý Nhân Tông chỉ đạo tác và ngự đề. Mặt trước của bia khắc tổng số 4.257 chữ Hán. Trán bia được khắc với tên "Đại Việt quốc đương gia Đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh bảo tháp bi" do chính nhà vua Lý Nhân Tông ngự đề theo lối chữ phi bạch, chia thành 7 hàng dọc, mỗi hàng 2 chữ.
Bệ bia cũng được làm bằng đá hình bầu dục cao 50 cm, dài 2,4 m; rộng 1,8 m. Hai mặt trên bệ bia chạm khắc 4 con rồng uốn lượn trong mấy núi sông nước. Phần bệ bia tiếp giáp với nền, chung quanh tạo thành các lớp hoa văn sóng nước. Các hoa văn trang trí đều mang đậm phong cách thời Lý. Lớp trên tạo sóng nước hình quả núi, mỗi sóng nước có 3 ngọn cao thấp khác nhau. Xen giữa các ngọn sóng là 3 gợn sóng hình vòng cung. Lớp dưới tạo thành sóng nước hình cung cũng gồm 3 lớp sóng…
Nội dung văn bia phản ánh các đức tính cao cả, tốt đẹp của vua Lý Nhân Tông, phản ánh tinh thần sùng Phật của Đại Việt thời Lý, phản ánh một nghi lễ và lễ hội đặc sắc của thời Lý. Đây cũng là văn bản gốc duy nhất còn lại của thời Lý, trong đó, có nói đôi chút về Kinh đô Thăng Long như Đoan Môn, Cấm Thành, chùa Diên Hựu (chùa Một Cột)…
Chùa Long Đọi Sơn - Ngôi chùa cổ độc đáo, được xây dựng dưới thời Lý gần 1.000 năm tuổi
Với những giá trị lịch sử văn hóa và vẻ đẹp vừa uy nghi, cổ kính, vừa thanh thoát, nhẹ nhàng, năm 1992 chùa Long Đọi Sơn được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia. Đến tháng 12-2017, chùa Đọi Sơn là một trong 10 di tích trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Trước đó, ngày 30-12-2013, bia Sùng Thiện Diên Linh cũng đã được Thủ tướng ký quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia.
Đến với danh thắng độc đáo trên núi Đọi của tỉnh Hà Nam, ngoài ngắm các hiện vật quý của chùa, du khách còn có thể phóng tầm mắt ngắm cả một vùng đồng bằng trù phú bao la, với dòng sông Châu uốn lượn như mái tóc của 1 nàng thiếu nữ. Đặc biệt, những thửa ruộng dưới chân núi Đọi gắn liền với sự kiện lịch sử vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan lần đầu tiên cày ruộng ở Đọi Sơn vào mùa xuân năm 987 để khuyến khích mở mang nông trang. Sau nhiều năm thất truyền, Lễ hội Tịch điền đã được tỉnh Hà Nam khôi phục lại vào năm 2009 và được diễn ra trong 3 ngày từ mồng 5 đến mồng 7 âm lịch hằng năm.
Lễ hội chùa Long Đọi Sơn được tổ chức vào ngày 21-3 âm lịch hằng năm, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và chiêm bái. Lễ hội là ngày giỗ của vị cao tăng đắc đạo Thích Chiếu Thường, ngoài ra còn là nơi tưởng niệm những người có công với đất nước, có công xây dựng ngôi chùa như: Lý Thường Kiệt, Lý Nhân Tông, Nguyên Phi Ỷ Lan, mẫu Liễu Hạnh... Đây là nơi thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta, giáo dục về lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ.
T.Minh-Q.Vượng