Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước
Vấn đề đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn luôn được Nhà nước quan tâm. Trước hết cần khẳng định rằng vốn đầu tư cho nông nghiệp từ ngân sách Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Vốn Nhà nước đầu tư cho nông nghiệp có vai trò to lớn, giúp tăng cường năng lực sản xuất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Mặt khắc, do đặc điểm của đầu tư trong nông nghiệp là khả năng thu hồi vốn chậm hoặc không có khả năng thu hồi vốn, rủi ro cao nên không thu hút được các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Vốn ngân sách đóng vai trò đi tiên phong, mở đường để thu hút các nguồn vốn khác thông qua các hình thức: tạo ra cơ sở hạ tầng tốt, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp đồng thời tạo cho các nhà đầu tư có cảm giác yên tâm hơn đầu tư vào nông nghiệp khi có sự tham gia của Nhà nước.
Vốn ngân sách Nhà nước chủ yếu đầu tư cho thuỷ lợi, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đầu tư vào các công trình trồng rừng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Vốn đầu tư của các hộ nông dân
Cùng với vốn đầu tư của ngân sách nhà nước, vốn đầu tư của các hộ nông dân cũng góp phần rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nguồn vốn này được đầu tư để phát triển sản xuất, mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, mua phân bón, giống mới... Hiện nay, vốn đầu tư của các hộ nông dân được tập trung vào mở rộng quy mô sản xuất hàng hoá theo mô hình trang trại với số vốn đầu tư tương đối lớn.
Tiềm năng của nguồn vốn này là rất to lớn bởi vì nó phụ thuộc lớn vào thu nhập của các hộ nông dân. Khi năng lực sản xuất tăng, năng suất lao động tăng thì thu nhập của hộ nông dân cũng tăng. Thu nhập của các hộ nông dân một phần phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày, một phần tích luỹ. Mặt khác, đầu tư của các hộ nông dân phụ thuộc phần lớn vào tiết kiệm của họ nên khi năng lực sản xuất tăng thì đầu tư của hộ nông dân cũng tăng lên.
Vốn đầu tư cho nông nghiệp thông qua hệ thống ngân hàng
Ngoài vốn ngân sách, Nhà nước còn đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn qua hệ thống ngân hàng như ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngân hàng vì người nghèo, ngân hàng thương mại ... theo phương thức cho vay không lãi hoặc lãi suất ưu đãi để bù giá vật tư nông nghiệp, giá bán nông sản hàng hoá cho nông dân. Các ngân hàng trên cho các hộ nông dân vay với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất nông nghiệp, mua phân bón, mua giống, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, phục vụ cơ sở hạ tầng nông thôn. Ngoài ra, các ngân hàng này còn cho các doanh nghiệp vay để mua nông sản của các hộ nông dân với giá trần hợp lý, bù đắp một phần thua thiệt của họ khi giá nông sản trên thị trường xuống quá thấp.
Các ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất ưu đãi trong các lĩnh vực trọng điểm hoặc các lĩnh vực được Nhà nước khuyến khích. Chênh lệch giữa lãi suất ưu đãi và lãi suất thông thường của ngân hàng thương mại được ngân sách Nhà nước cấp bù- đó là vốn có nguồn gốc từ ngân sách. Hình thức này được áp dụng đối với các chương trình chung sống với lũ, chương trình xoá đói giảm nghèo. Đây là nguồn vốn đầu tư quan trọng trong việc phục vụ nhu cầu đầu tư cho nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Vốn nước ngoài
Đối với các nước đang phát triển, để phát triển kinh tế, thoát khỏi cảnh nghèo thì vấn đề nan giải ngay từ đầu là thiếu vốn gay gắt, từ đó sẽ dẫn đến thiếu nhiều thứ khác như công nghệ, cơ sở hạ tầng...
Nông nghiệp cũng là ngành nằm trong xu thế đó. Để phát triển một nền nông nghiệp bền vững thì tất yếu phải đầu tư cho nông nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam là một nước nghèo, nên vốn đầu tư từ trong nước còn rất hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư phát triển đất nước. Vì vậy, trên con đường phát triển không thể không huy động nguồn vốn nước ngoài, tranh thủ nguồn vốn này nhất là trong điều kiện nền kinh tế mở.
Nguồn FDI chủ yếu tập trung vào trồng và chế biến cao su, cà phê, chè, mía đường, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương pháp công nghiệp với mục đích nâng cao năng lực sản xuất và chế biến nông, lâm, thuỷ sản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường quốc tế. Nguồn này có ý nghĩa quan trọng, nhờ công nghệ tiên tiến tạo ra nhiều sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài nguồn FDI còn có các nguồn vốn vay, viện trợ, hợp tác khoa học kỹ thuật của các quốc gia phát triển và các tổ chức quốc tế như UNDP, PAM, FAO, ADB, WB, IMF, UNICEF, OECF... đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nguồn này chủ yếu tập trung vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, nước sạch, vệ sinh môi trường, sức khoẻ cộng đồng đặc biệt là sức khoẻ phụ nữ và trẻ em. Lợi thế của nguồn vốn này là cho vay với lãi suất thấp ( 0- 2%), thời gian trả nợ dài ( từ 30- 40 năm).
Đầu tư của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đã đóng góp tốc độ và quy mô đầu tư cho nông nghiệp và cho nền kinh tế. Phương thức đầu tư chủ yếu của các doanh nghiệp là hỗ trợ kỹ thuật, giống cây trồng vật nuôi, ứng trước vốn cho nông dân mua vật tư, phân bón để đảm bảo sản xuất. Ngoài ra các doanh nghiệp còn bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho các hộ nông dân, nhất là những sản phẩm nông sản là nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
Nguồn vốn này đã góp phần hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông nghiệp, giải quyết phần nào nhu cầu về vốn cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước.
Nguồn: VOER