Dưới đây là một số những dấu hiệu cảnh báo bạn có nguy cơ mắc bệnh tim, nếu có những dấu hiệu này, cần chủ động thay đổi để tránh xa bệnh tim.
Mắc bệnh nướu răng
Nhiều người cho rằng, vấn đề sức khỏe răng miệng không liên quan tới bệnh tim mạch. Nhưng các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, những người mắc bệnh nướu răng có khả năng mắc bệnh tim hơn người khác. Các nhà khoa học cho rằng, vi khuẩn từ nướu răng có thể di chuyển vào máu dẫn tới viêm mạch máu và các vấn đề tim mạch. Lời khuyên của bác sĩ là cần chải răng và làm vệ sinh răng miệng mỗi ngày, nên kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ 6 tháng một lần. Nếu bạn cảm thấy đau nhức, đỏ ở nướu hoặc có những thay đổi ở răng miệng cần đi khám bác sĩ ngay.
Làm việc ban đêm
Theo nghiên cứu của Đại học Western, Canada, làm việc ban đêm hoặc làm việc trái với nhịp sinh học sẽ làm tăng nguy cơ đau tim. Làm việc theo ca có tác động xấu đến tim mạch của bạn. Vì vậy để làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim hãy tập thể dục, ăn một chế độ ăn uống cân bằng, và nhớ kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ.
Bị stress
Những căng thẳng trong công việc, cuộc sống hay đơn giản bị căng thẳng khi tham gia giao thông như stress trước tiếng ồn, tắc đường…. cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới các bệnh tim mạch. Khi tham gia giao thông, nếu không thể tránh giờ cao điểm, hãy xả stress bằng việc nghe nhạc, thư giãn, hoặc trò chuyện với mọi người trong lúc lái xe.
Mãn kinh sớm
Nếu một phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh trước khi bước sang tuổi 46, khả năng bạn bị đau tim hoặc đột quỵ cao gấp đôi so với những người mãn kinh muộn hơn. Sự sụt giảm estrogen làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành…. Với những người sau mãn kinh nên được kiểm tra định kỳ các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch như tăng cholesterol.
Ngáy
Nếu người thân phát hiện bạn bị ngáy khi ngủ, hoặc nặng hơn là ngưng thở khi ngủ, bạn có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Một số nghiên cứu đã chỉ ra, những rối loạn liên quan đến tăng huyết áp, nhịp tim không đều, đột quỵ hoặc suy tim đều có liên quan đến triệu chứng ngủ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ. Bệnh nhân cần được khám và điều trị kịp thời sẽ giúp bạn dễ thở hơn, đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Nếu bạn bị viêm gan C có thể làm tăng nguy cơ gây viêm các tế bào và mô trong cơ thể, bao gồm cả tim. Theo nghiên cứu, những người mắc viêm gan C có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.
Thiếu ngủ
Khi bạn thường xuyên ngủ ít hơn 6 giờ mỗi tối, bạn sẽ có nhiều khả năng bị tăng huyết áp và cholesterol cao. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị thừa cân, béo phì và mắc bệnh tiểu đường (đây là hai căn bệnh đều ảnh hưởng tới trái tim của bạn). Tuy nhiên nếu ngủ nhiều hơn 9 giờ lại làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường và đột quỵ - một trong những yếu tố cũng làm tổn hại trái tim. Để đủ năng lượng cho não, cơ thể và trái tim của bạn hồi phục sau 1 đêm, thời gian ngủ tốt nhất từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm.
Hôn nhân không hạnh phúc
Một cuộc sống hạnh phúc sẽ làm cho trái tim của bạn khỏe mạnh. Theo một nghiên cứu gần đây của Đại học bang Michigan, Mỹ, những người lớn tuổi có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn so với những người khác. Vậy đâu là nguyên nhân? Các nhà khoa học lý giải, có thể khi bạn căng thẳng, bạn có xu hướng ăn uống bừa bãi hơn với các lựa chọn không tốt cho sức khỏe ví dụ như uống nhiều rượu. Hơn nữa, hormone gây căng thẳng tác động tiêu cực đến tim. Vì vậy, nếu đời sống hôn nhân không hạnh phúc bạn cần một chuyên gia trị liệu tâm lý để lấy lại cân bằng.
Mỡ bụng
Bất kỳ trọng lượng thừa nào trong cơ thể bạn đều không tốt cho tim. Tuy nhiên lượng mỡ thừa ở vòng eo, bụng có thể kích hoạt tạo ra hoóc môn không tốt, gây tăng huyết áp, ảnh hưởng xấu đến mạch máu và nồng độ cholesterol trong máu. Nếu bạn có vòng bụng quá nhiều mỡ, cần lên kế hoạch ăn kiêng và tập thể dục. Nghiên cứu cho thấy yoga và các bài tập cường độ cao ngắn là những cách tuyệt vời để giảm bớt phần mỡ thừa ở vùng bụng.
Ngồi quá nhiều, ít vận động
Ngồi quá nhiều hoặc không vận động là thủ phạm gây các bệnh tim mạch, tăng huyết áp…. Theo nghiên cứu những người giới hạn giờ xem tivi mỗi ngày ít bị các vấn đề tim mạch hơn những người thường xuyên xem tivi. Cứ mỗi giờ ngồi xem tivi tăng thêm sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim lên 20%.
Tập thể dục quá nhiều, không đều đặn
Tập thể dục là rất tốt cho trái tim của bạn. Nhưng nếu bạn không thường xuyên tập luyện hoặc thỉnh thoảng tập thể dục, hãy bắt đầu từ từ từng bước một, không nên tập các bài tập nặng ngay. Có một nghiên cứu cho biết, khi bạn tập thể dục thời gian quá dài hoặc động tác mạnh, khó, nó có thể khiến bạn tăng nguy cơ bị đau tim và các vấn đề sức khỏe khác.
Nếu không thể gặp bác sĩ để tư vấn những bài tập tốt, phù hợp với sức khỏe của bạn, hãy bắt đầu với một bài tập nhẹ nhàng như đi bộ. Nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh tim cao, hãy cho bác sĩ biết và có thể xem xét sử dụng máy theo dõi nhịp tim khi tập luyện.
Hải Yến (Theo WebMD)