Hình ảnh cây Ðậu tắc, Ðậu rựa, Ðậu ngựa - Canavalia ensiformis
Ðậu tắc, Ðậu rựa, Ðậu ngựa - Canavalia ensiformis (L., ) DC., thuộc họ Ðậu - Fabaceae.
Mô tả: Cây thảo sống hằng năm, mọc nằm, có khi leo dài 2-3m, không lông. Lá kép có 3 lá chét, lá chét xoan bầu dục, dài 10-20cm, rộng 6-12 cm, đầu tù hay có mũi ngắn, mặt trên màu lục, mặt dưới nhạt. Chùm hoa ở nách lá dài 25-45cm, mỗi u mang 3-5 hoa, màu trắng, ống đài dài 7-10mm, có lông; cánh cờ to 1,5-2,2cm, luôn có sọc đỏ. Quả đậu dài 25-30cm, rộng 2,5-3,5cm; hạt 10-20, trắng hay ngà, dài 2-2,5cm, có đốm nâu ở gẫn tễ.
Bộ phận dùng: Hạt - Semen Canavaliae Ensiformis.
Nơi sống và thu hái: Gốc ở Trung Mỹ được nhập trồng ở nhiều nước châu á, châu Phi. Nay ta trồng ở nhiều nơi, nhất là ở các tỉnh vùng Tây Nguyên.
Thành phần hoá học: Hạt chứa 3 chất kết tủa hồng cầu là canavalin, concanavalin A và concanavalin B; còn có canavanin và arginin, desaminocanavanin, cholin, trigonellin, betonicin, canein và kitogin. Chất gây say là concavalin A. Nó kết tủa một số virus và vi trùng, làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng qua ruột non.
Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, tính ấm; có tác dụng ôn trung, hạ khí.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Nếu ăn quả đậu nấu không kỹ sẽ bị say, đau bụng và thoát vị, do đó việc dùng đậu tắc bị hạn chế. Tuy nhiên nếu ta rửa kỹ hoặc nấu chín 2-3 nước trong 2-3 giờ hoặc rang vàng thì sẽ khử được chất độc. Nói chung khi ăn hạt, quả đậu tắc, thì nên luộc bỏ nước trước khi dùng. Hạt dùng làm tương, làm nhân bánh hay thức ăn cho vật nuôi. Hạt cũng dùng làm thuốc chữa đau ngực, đau phổi, ho.