Theo hãng tin RT ngày 7-3, đã 12 năm kể từ khi bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên được chữa khỏi căn bệnh thế kỷ này.
Hôm 4-3, cộng đồng khoa học và y học trên thế giới đã đón một tin vui, đó là một bệnh nhân người Anh vừa thoát khỏi HIV bằng phương pháp cấy tế bào gốc.
Chỉ một ngày sau, 5-3, các nhà nghiên cứu từ Hà Lan tại Hội nghị về Retroviruses và nhiễm trùng cơ hội đã tiết lộ thêm một bệnh nhân vừa được chữa khỏi HIV sau khi cấy ghép tủy xương, giống phương pháp áp dụng với hai bệnh nhân được chữa khỏi HIV trước đó.
Bệnh nhân ở Đức này được cấy ghép tủy xương để chữa ung thư. Sau ba tháng không dùng thuốc kháng virus, sinh thiết đường ruột và sinh thiết hạch bạch huyết cho kết quả cơ thể người này không còn nhiễm HIV.
Bệnh nhân đầu tiên trong lịch sử chữa khỏi HIV là một người đàn ông sống tại Berlin, Đức. Năm 2007, anh đã thực hiện ghép tủy xương hiếm gặp liên quan đến tế bào gốc tạo máu để điều trị bệnh bạch cầu.
Thật bất ngờ, việc điều trị bằng tế bào gốc từ một người hiến tặng có đột biến gen CCR5 đã giúp chữa khỏi căn bệnh thế kỷ của người này.
Trong trường hợp thứ hai, người đàn ông ở London, Anh đã được điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc từ một người hiến tặng có cùng đột biến gen CCR5. Lần này ca ghép diễn ra trong khi người đàn ông đang điều trị ung thư hạch Hodgkin.
Sau gần ba năm từ khi được ghép tế bào gốc tủy kháng HIV vào tháng 5-2016 và hơn 18 tháng ngưng điều trị thuốc kháng virus, ngay cả những xét nghiệm nhạy nhất cũng không tìm ra virus trong cơ thể bệnh nhân này.
Tuy nhiên, phương pháp cấy ghép tế bào gốc vô cùng phức tạp và nhiều rủi ro, vì có thể xảy ra hiện tượng đào thải. Phương pháp này chỉ có thể được sử dụng chữa HIV cho những bệnh nhân đồng thời mắc bệnh ung thư.
Hiện có 37 triệu người có HIV trên toàn cầu. Bệnh AIDS đã làm chết khoảng 35 triệu người kể từ khi được phát hiện lần đầu vào những năm 1980.