Sau nhiều ngày điều trị ông may mắn thoát chết, chức năng thận và độ bão hòa oxy máu dần trở lại bình thường. Mặc dù sống sót qua cửa tử nhưng ông Lin vẫn còn lo lắng về chuyện xảy ra một tháng trước. Đó là nỗi kinh hoàng đối với ông.
Vợ lén đầu độc chồng bằng thuốc diệt cỏ
Ông Lin là người gốc Kim Hoa, nay 55 tuổi là bác sĩ và có vợ là y tá. Hai vợ chồng ông đã kết hôn được 20 năm, có hai con và vợ chồng ông cũng có một phòng khám nhỏ ở Kim Hoa. Ngày 21/2, ông Lin thức dậy, đun nước sôi uống như thường lệ. Sau đó, ông đi ra ngoài vận động rồi quay lại uống nước. Lúc này ông cảm thấy có điều gì đó không ổn và hơi choáng váng nhưng ông không nghĩ gì nhiều, vội vàng đi làm.
Vào buổi chiều, ông Lin càng lúc càng thấy chóng mặt và mệt mỏi, các đồng nghiệp đã đưa ông tới bệnh viện địa phương để truyền dịch. Tuy nhiên khi về nhà, ông vẫn không thể bước chân lên cầu thang, phải nhờ người nhà đỡ vào giường nằm. Sáng hôm sau, con gái ông, cô Lin Lin, 20 tuổi phát hiện cha bất tỉnh ngay lập tức báo với mẹ và đưa ông Lin đi cấp cứu.
Tại bệnh viện địa phương Kim Hoa, các bác sĩ dựa trên những triệu chứng của ông Lin nghi ngờ ông bị ngộ độc thuốc nên hỏi gia đình liệu gần đây ông có sử dụng thuốc hay thực phẩm gì lạ hay không. Người vợ lúc đó khá lúng túng nói rằng gần đây không biết chồng có ăn uống gì lạ không.
Lúc này biểu hiện của người vợ khiến mọi người khá nghi ngờ. Trong suốt thời gian ông nằm viện, người vợ rất ít khi tới. Bệnh viện địa phương đã trải qua các cuộc kiểm tra CT và MRI và phát hiện ra rằng phổi và thận của ông Lin cũng bị tổn thương. Tuy nhiên, tình hình của ông Lin, không được cải thiện, và ông đã hôn mê. Lúc này vợ ông Lin bất ngờ hỏi con gái có nên lo hậu sự luôn không.
Tuy nhiên sau 3 ngày, vào ngày 25/2, ông Lin đã tỉnh dậy, các thành viên trong gia đình rất hạnh phúc nhưng vợ ông Lin đột nhiên hoảng loạn. Tối ngày 25/2, vợ ông Lin đã nói với con gái rằng bà đã cho thuốc an thần vào nước uống của chồng vào sáng ngày 21/2. Vì thấy chồng chỉ chóng mặt, vẫn đi làm bình thường nên buổi tối tranh thủ lúc ông Lin đang ngủ đã lén tiêm một dung dịch paraquat vào cơ hông. Cô con gái khi nghe xong vô cùng sốc nên đã mau chóng nói với gia đình và bác sĩ. Lúc này, bác sĩ mới vỡ lẽ: tức ngực và khó thở, kèm theo tổn thương thận và phổi, thực sự rất giống với các triệu chứng ngộ độc paraquat.
Paraquat là một loại thuốc trừ sâu có độc tính cao. Nó bao gồm dichloride và methyl disulfate. Nó có thể được hấp thụ qua da, đường hô hấp và đường tiêu hóa. Sau khi hấp thụ, nó được phân phối dọc theo máu đến các mô và cơ quan khác nhau của cơ thể, gây tổn thương gan và thận. Suy đa tạng, xơ phổi (không hồi phục) và suy hô hấp là những gì mà paraquat có thể gây ra. Cho đến nay không có thuốc giải độc đặc hiệu, và tiêm paraquat còn độc hại hơn so với uống, hậu quả thậm chí còn nghiêm trọng hơn!
Bác sĩ địa phương ngay lập tức quyết định làm xét nghiệm paraquat cho máu của ông Lin. Vào chiều ngày 26/2, kết quả xét nghiệm máu cho thấy hàm lượng paraquat trong máu của ông Lin cao tới 1590ng/mL. Đồng thời, trong máu của ông cũng có ba loại thuốc an thần diazepam, clonazepam và escitalopram oxalate. Vợ ông Lin sau đó đã đi trình diện cảnh sát vào sáng ngày 26/2.
Bệnh viện địa phương đề nghị ông Lin nhanh chóng chuyển đến khoa cấp cứu của Bệnh viện Đại học Y Chiết Giang để điều trị. Vào ngày 27/2, ông Lin đã được gửi đến phòng ngộ độc của Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đại học Y Chiết Giang. Sau khi kiểm tra, phổi, thận, gan của ông Lin bị tổn thương, transaminase cũng cao, chẩn đoán là ngộ độc paraquat. Ông Ding Chenyan, phó giám đốc khoa cấp cứu, ngay lập tức dùng liệu pháp ức chế miễn dịch, lọc máu và các phương pháp điều trị khác. Sau hơn nửa tháng điều trị đầy đủ và theo dõi chặt chẽ, tình trạng của ông Lin đã cải thiện đáng kể, độ bão hòa oxy trong máu và chức năng thận dần dần trở lại bình thường.
Bí mật 8 năm của người vợ được tiết lộ
Sau khi ông Lin được cứu sống, lý do tại sao vợ ông Lin lại đầu độc chồng cũng dần dần được sáng tỏ. “Bà ấy chỉ muốn tôi chết”. ông Lin nói “Là do tôi không đủ tốt với bà ấy. 8 năm qua bà ấy bị ốm, tôi đưa bà đi khám, tập thể dục, đi bơi, tích cực điều trị nhưng bà ấy vẫn nghĩ tôi là kẻ độc ác.”
Hóa ra, 8 năm trước, vợ ông Lin bị mắc chứng rối loạn cảm xúc hoang tưởng. Sau khi mắc bệnh, vợ ông luôn nghĩ bản thân mắc một căn bệnh hiểm nghèo và bắt đầu nghi ngờ những người xung quanh. Sau đó, bà thậm chí còn nghi ngờ rằng chồng mình sẽ đầu độc bà. Kể từ đó, ông Lin bắt đầu đưa vợ đến phòng khám ngoại trú của các bệnh viện lớn. Bác sĩ chẩn đoán bệnh là vợ ông mắc chứng rối loạn tâm thần hoang tưởng.
Sau đó mỗi ngày ông Lin đều cho vợ uống thuốc nhưng bà nhất định không dùng, thậm chí còn gây sự và nghi ngờ chồng dùng thuốc độc hại mình. Vì nghĩ chồng có ý đồ xấu nên bà đã quyết định trả thù bằng cách tiêm paraquat.
Rối loạn tâm thần hoang tưởng nguy hiểm thế nào?
Bệnh hoang tưởng còn được gọi là bệnh tâm thần hoang tưởng hay thần kinh hoang tưởng. Bệnh có tên tiếng Anh là Paranoid Personality Disorder. Theo cách suy nghĩ của người bệnh, nhiều chuyện không có thật nhưng họ lại cho là hoàn toàn đúng. Sự sai lệch này của bệnh nhân nặng nề đến mức bạn không thể giải thích bằng lý lẽ hay chứng minh bằng chứng cứ được.
Tuy nhiên biểu hiện của bệnh rất khó phát hiện vì người bệnh vẫn sinh hoạt như bình thường nhưng khi chạm đến sự việc gây ra hoang tưởng, nó sẽ bùng phát, có thể dẫn tới các biện pháp cực đoan như tự tử, làm tổn thương người khác và trả thù xã hội.
Cơ chế bệnh sinh của rối loạn tâm thần hoang tưởng có liên quan đến di truyền gia đình, đặc điểm tính cách và các kích thích bên ngoài . Hầu hết các bệnh nhân có tính cách tồn tại từ trước như chủ quan, bướng bỉnh, nhạy cảm và nghi ngờ. Trên cơ sở khiếm khuyết về tính cách, các kích thích môi trường bên ngoài ( như thất bại trong tình yêu, tình trạng thể chất và thất vọng trong công việc ) sẽ tác động thêm.
Nhìn chung, việc điều trị rối loạn tâm thần hoang tưởng khá khó khăn hơn do bệnh nhân không chịu hợp tác, tốt nhất nên gửi người bệnh đến bệnh viện để điều trị, ngăn chặn tác hại đối với mọi người xung quanh.
Minh Minh (Dịch từ Sohu) theo Khám phá