Bệnh nhân đến bệnh viện tại Los Angeles, Mỹ khám vì thường xuyên mệt mỏi, suy nhược cơ thể suốt 3 tháng. Qua khám lâm sàng, bác sĩ phát hiện bệnh nhân da xanh, niêm mạc nhợt.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, nam bệnh nhân bị thiếu máu nghiêm trọng, thiếu hồng cầu khoẻ mạnh cung cấp oxy đến các mô của cơ thể.
Siêu âm thêm ổ bụng, bác sĩ phát hiện ống mật, nơi dẫn dịch mật từ gan đến ruột đã bị chặn một phần. Nội soi tìm nguyên nhân tắc nghẽn, kết quả cho thấy trong gan bệnh nhân có rất nhiều con sán lớn đang quằn quại, dùng mút bám chắc vào thành gan.
Những hình ảnh này sau đó đã được bác sĩ ghi lại, xác định bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn, tên khoa học là Fasciola hepatica.
Bệnh nhân sau đó được truyền máu và điều trị triclabendazole, một loại thuốc đặc hiệu tiêu diệt ký sinh trùng. Sau 1 tháng dùng thuốc, tình trạng thiếu máu đã chấm dứt, sức khoẻ bệnh nhân trở lại bình thường, tuy nhiên báo cáo không tiết lộ có bao nhiêu con sán đã chui ra.
Sán lá gan lớn có kích thước 3x1x1,2 cm. Khi người ăn sống rau mọc dưới nước hoặc uống nước có nhiễm ấu trùng sán lá gan, ấu trùng sán sẽ vào dạ dày, xuống tá tràng, tự tách vỏ và xuyên qua thành tá tràng vào khoang phúc mạc đến gan, đục thủng bao gan và xâm nhập vào nhu mô gan gây tổn thương gan.
Trong giai đoạn xâm nhập, sán cũng có thể di chuyển lạc chỗ và gây các tổn thương ở các cơ quan khác như thành ruột, thành dạ dày, thành bụng, đôi khi có trong bao khớp.
Sau giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan từ 2-3 tháng, sán sẽ xâm nhập vào đường mật, tại đây chúng tiếp tục trưởng thành và đẻ trứng, có thể ký sinh trong nhiều năm nếu không được phát hiện và điều trị.
Ngoài hút các chất dinh dưỡng gây suy nhược cơ thể, sán cũng gây chảy máy trong dẫn đến thiếu máu.
M.Anh (theo Dailymail) Nguồn: VNN