Bộ phận dùng làm thuốc là rễ của cây bạch chỉ.
Bạch chỉ (Radix Angelicae dahuricae) là vị thuốc Đông y được sử dụng từ lâu để trị nhiều loại bệnh khác nhau. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ của cây bạch chỉ. Cây có nguồn gốc từ Trung Quốc, được di thực vào Việt Nam.
Hình ảnh Dược Liệu bạch chỉ đã được làm khô
Bạch chỉ được dùng trị một số chứng bệnh sau: theo GS.TS. Phạm Xuân Sinh
- Trị cảm mạo phong hàn, biểu hiện đau đầu vùng trán đỉnh, đau nửa đầu, đau phần xương lông mày, đau hốc mắt mà trào nhiều nước mắt, phối hợp bạch chỉ với địa liền, cát căn, lượng bằng nhau từ 10 -12g dưới dạng thuốc sắc, hoặc thuốc bột, ngày 1 thang, dùng liên tục cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm; hoặc phối hợp bạch chỉ với xuyên khung, lượng bằng nhau, mỗi vị 10g, ngày 1 thang; nếu bào chế dạng bột, ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 3 - 5g.
- Trị viêm mũi, đau răng, viêm dây thần kinh ở mặt, phối hợp bạch chỉ, tân di, thương nhĩ tử mỗi vị 12g, bạc hà 6g, bào chế dưới dạng bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10-12g, uống nhiều ngày tới khi hết các triệu chứng. Ngoài ra khi đau răng có thể lấy bột bạch chỉ chấm vào chỗ đau.
- Trị hôi miệng: Có thể dùng bạch chỉ, xuyên khung lượng bằng nhau, sắc nước, ngậm súc miệng ngày 2 - 3 lần, hoặc tán thành bột mịn, thêm ít hồ bột gạo nếp tạo thành khối đồng đều, rồi chia thành viên nhỏ để ngậm, ngày 2-3 viên.
- Trị viêm tuyến vú ở giai đoạn đầu: bạch chỉ, bối mẫu mỗi vị 6g, đương quy 9g, nhũ hương (chế) 4,5g. Sắc uống ngày 1 thang. Dùng nhiều ngày tới khi các triệu chứng thuyên giảm.
- Trị khí hư bạch đới, đau bụng kinh: bạch chỉ, ô tặc cốt, hương phụ tứ chế, mộc hương mỗi vị 10g, uống trước khi có kinh 2-3 ngày, ngày 1 thang. Uống nhiều ngày, nhiều đợt tới khi các triệu chứng thuyên giảm.
- Trị đau thắt ngực, đau mỏi cơ nhục: bạch chỉ phối hợp với cát căn, địa cốt bì, lượng bằng nhau dưới dạng thuốc sắc.
- Trị mụn nhọt sưng đỏ: bạch chỉ phối hợp với kim ngân hoa, liên kiều, bồ công anh, lượng bằng nhau 10-12g, dưới dạng thuốc sắc, ngày 1 thang. Ngoài ra còn dùng bạch chỉ trị rắn cắn.
Lưu ý: Không dùng bạch chỉ cho những người âm hư hỏa vượng, những người đang bị dị ứng ngứa. Cần phân biệt với cây có tên bạch chỉ nam, hay còn gọi là cây mát rừng (Millettia pulchra Kurz, họ cánh bướm Papilionaceae). Bạch chỉ nam thuộc loại cây nhỡ, cao đến 5- 7m, cành hình trụ có khía dọc, lá kép lông chim lẻ, mọc so le, hoa mọc thành chùm màu tím nhạt, quả loại đậu, hình lưỡi dao, màu lục vàng. Cây thường phân bố ở một số tỉnh miền Bắc nước ta, như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Lạng Sơn… Người ta thường thu hái rễ củ để làm thuốc trị đau bụng, tiêu chảy.