Virus Corona có lây lan qua đường ống chung cư?

Giới nghiên cứu vẫn chưa tìm ra bằng chứng chắc chắn cho thấy hệ thống đường ống cống trong các tòa nhà có thể là đường lây nhiễm nCoV.

Nhà chức trách Hong Kong sơ tán và cách ly hơn 100 cư dân ở tòa chung cư Hong Mei House, tại khu Tsing Yi hôm 11/2 sau khi một người phụ nữ 62 tuổi trở thành người thứ hai trong tòa nhà nhiễm nCoV. Bệnh nhân này sống ở tầng 3, cách người nhiễm bệnh đầu tiên 10 tầng, làm dấy lên lo ngại virus có thể lây lan qua cơ sở hạ tầng của chung cư như đường ống cống. Nhà chức trách cũng tìm thấy một đường ống cống bị hở trong phòng tắm ở căn hộ của người phụ nữ.

Chuyên gia y tế vẫn đang điều tra virus có thể lây nhiễm giữa hai cư dân như thế nào. Nhưng có ít nhất một trường hợp virus corona truyền qua đường ống cống. Trong đợt bùng phát hội chứng suy hô hấp cấp nặng (SARS) năm 2003, nhà chức trách phát hiện chủng virus gây bệnh lây lan trong một chung cư khác tên Amoy Gardens ở Hong Kong qua đường ống cống bị hỏng, theo Tổ chức Y tế Thế giới.

Điều này xảy ra do virus corona gây dịch SARS có thể truyền qua phân và có trong chất thải chưa qua xử lý. Đường ống dẫn chất thải thô luôn được thiết kế tách biệt với không gian sinh hoạt, theo tiến sĩ Amesh Adalja, chuyên gia bệnh truyền nhiễm kiêm học giả ở Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins tại Baltimore. Nhưng nếu đường ống bị rò rỉ hoặc thủng, người dân có nguy cơ tiếp xúc với virus. Ví dụ, hệ thống đường ống cống bị hư hỏng sẽ tạo điều kiện cho virus thoát ra ngoài.

Ở thời điểm xảy ra dịch SARS, một cuộc điều tra tại Amoy Gardens phát hiện nhiều vấn đề với đường ống cống. Thông thường, ống cống trong phòng tắm có dạng chữ U để ngăn chất thải và mùi trào ngược, nhưng ở chung cư này, các nhà chức trách nhận thấy khí có thể bốc ngược trở lại đường ống trong điều kiện nhất định, theo Washington Post.

"Khi chúng ta sử dụng phòng tắm, đóng kín cửa và bật quạt gió, có thể xuất hiện đối áp hút các giọt chất nhiễm khuẩn cực nhỏ vào phòng", Yeoh Eng-kiong, lãnh đạo ngành y tế Hong Kong, giải thích. "Các giọt chất nhiễm khuẩn sau đó có thể lưu lại trên nhiều bề mặt như thảm trải sàn, khăn tắm, giấy vệ sinh và các thiết bị phòng tắm khác".

Với nCoV, kết quả xét nghiệm tìm thấy virus trong phân của bệnh nhân, chứng tỏ chúng có thể truyền qua phân. Virus này cũng cũng gây các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy và nôn mửa.

Tuy nhiên, Adalja nhấn mạnh ngay cả khi nCoV có thể lan qua đường ống cống, đây không phải là phương thức lây nhiễm thông thường. Con đường truyền virus phổ biến nhất là qua giọt nước bọt hoặc đờm nhớt bắn ra khi ho và hắt hơi. Kết quả điều tra sơ bộ về đường ống cống của chung cư Hong Mei House cho thấy hệ thống này được thiết kế tốt.

An Khang (Theo Live Science)

Nguồn: https://vnexpress.net/khoa-hoc/ncov-co-lay-lan-qua-duong-ong-chung-cu-4054899.html