Kinh nghiệm nuôi dạy con tài năng

Amanda Sarabi từng cảm thấy mệt mỏi khi phải trả lời những câu hỏi liên tục của con trai cho đến khi tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp.

Bài cùng loại: Khoa học chứng minh: Bố thường xuyên chơi với con ở những tháng đầu đời giúp con thông minh hơn

Trong cuốn sách Off the scale! Educating a Profoundly Gifted Child (Vượt khỏi tầm với), tác giả Amanda Sarabi, sống ở Anh chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trai Sherwyn, 10 tuổi, là trẻ tài năng.

Từ khi 4 tuổi, Sherwyn Sarabi đã sở hữu IQ 160, ngang với IQ của thiên tài Albert Einstein và nhà vật lý Stephen Hawking. Em là thành viên của tổ chức Mensa, cộng đồng người có IQ cao nhất thế giới. Năm 6 tuổi, Sherwyn theo học GCSE (chương trình giáo dục THPT dành cho học sinh 14-16 tuổi ở Anh).

Khi Sherwyn 20 tháng tuổi, cháu có thể nói câu hoàn chỉnh và đặt câu hỏi suốt cả ngày. Cháu muốn biết mọi thứ trong cuộc sống bằng cách hỏi hết câu này đến câu khác. Tôi không phải là người nói nhiều, thích lắng nghe hơn trò chuyện nhưng tôi đã phải thay đổi thiên hướng của mình để giúp con trai. Thỉnh thoảng tôi đi ngủ với cơn đau quai hàm vì nói chuyện liên tục với con vào ban ngày.

"Làm thế nào bạn nuôi dạy trẻ tài năng?" là câu hỏi mà tôi liên tục nhận được từ mọi người xung quanh. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng mỗi đứa trẻ phải đối phó với vấn đề của riêng mình để tự lập và hoàn thiện bản thân. Tất nhiên với vai trò phụ huynh, các ông bố bà mẹ cần thúc đẩy, kích thích sự phát triển của trẻ nhưng chỉ ở mức nhất định và không nên quá bao bọc hoặc quản lý trẻ.

Đọc thêm: 10 nguyên tắc vàng cho ông bố đang nuôi con gái luôn ghi nhớ

1. Đối phó với những câu hỏi liên tục

Đây là cuộc trao đổi điển hình giữa tôi và Sherwyn.

Tôi: Con đã đọc xong cuốn sách của mình, giờ là lúc đi ngủ.

Sherwyn: Mẹ ơi, tại sao lại đến giờ đi ngủ?

Tôi: Vì bây giờ là 8h tối rồi.

Sherwyn: Tại sao lại là 8h tối hả mẹ?

Tôi: Chà, vì đồng hồ bảo vậy.

Sherwyn: Thế tại sao chúng ta có một chiếc đồng hồ?

Tôi: Thì vì chúng ta cần xem giờ.

Sherwyn: Nhưng tại sao con phải đi ngủ vào 8h?

Đến lúc này, tôi đã từ bỏ việc trả lời câu hỏi của con. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi biết chúng tôi có thể mất hàng tiếng để bàn luận về câu hỏi này. Thay vào đó, tôi im lặng và đi về phòng ngủ trong khi Sherwyn liên tục lẩm bẩm: "Trẻ em phải đi ngủ lúc 8h vì điều này là luật pháp. Nữ hoàng nói vậy. Mẹ à, nữ hoàng của chúng ta là nữ hoàng Elizabeth nhưng là nữ hoàng thứ hai. Cha của nữ hoàng Elizabeth I là vua Henry có 6 người vợ. Mẹ ơi, ông ấy có nhiều vợ quá!".

Vừa đánh răng, Sherwyn vừa tiếp tục nói về các vị vua và nữ hoàng trong lịch sử Anh. Tôi đứng cạnh con, gần như kiệt sức và tự hỏi tại sao yêu cầu đơn giản là đi ngủ có thể trở thành cuộc tranh luận kiểu này.

Carol Bainbridge, chuyên gia về trẻ tài năng, cựu thành viên của Hiệp hội trẻ tài năng Indiana (Mỹ) cho rằng để đối phó với những câu hỏi liên tục của trẻ, thay vì cảm thấy khó chịu, phụ huynh nên thay đổi chiến lược và thái độ.

Đầu tiên bạn có thể trì hoãn trả lời các câu hỏi của con. Chiến lược này giúp trẻ chấp nhận ra một số ranh giới giữa việc hỏi quá nhiều và thực hiện chúng. Nếu con bạn vẫn cố truy hỏi đáp án đến cùng, bạn có thể nói rằng: "Bố/mẹ không biết". Hoàn toàn ổn khi thừa nhận bạn không biết đáp án cho tất cả mọi câu hỏi trên đời. Câu trả lời này thậm chí kích thích khả năng tư duy của trẻ, giúp chúng hiểu rằng luôn có những điều mới mẻ cần tìm hiểu mỗi ngày.

Điều quan trọng là khi bạn lấy lại bình tĩnh, hãy cùng con tìm ra câu trả lời vì không đứa trẻ nào muốn bị phớt lờ. Bạn có thể cùng con đọc sách khoa học hoặc tài liệu để tìm ra câu trả lời trong những thời điểm thích hợp hơn.

Bài liên quan: Cách Bố Mẹ chăm sóc con khiến bé dễ bị ức chế thần kinh

2. Đối phó với hành vi bất thường

Trẻ tài năng thường có những hành động kỳ quặc, khác thường so với bạn bè đồng trang lứa. Dù vì lý do gì, những hành động này cũng khiến cha mẹ lo lắng. Chẳng hạn, con bạn ngủ ít hơn những đứa trẻ bằng tuổi. Từ sáng sớm, khi bạn còn đang say giấc, con đã yêu cầu bạn thức dậy để chơi cùng. Thay vì lo lắng trẻ ngủ không đủ giấc, hãy đặt trong phòng con nhiều đồ chơi hoặc sách để chúng có thể tự chơi an toàn cho đến khi mọi người trong gia đình thức dậy. Tương tự, nếu bạn biết rằng con đặc biệt nhạy cảm với tiếng động, mùi hương hoặc các kích thích khác, hãy cố gắng tránh xa chúng.

Đối với hành vi bất thường của Sherwyn, thay vì lo lắng, tôi sẽ hỏi han con thật cặn kẽ để tìm ra lý do và từ đó ủng hộ hoặc giúp chúng phát huy những hành động phù hợp. Ví dụ, khi Sherwyn dùng bút đánh dấu vẽ lên tất của cháu, tôi đã hỏi lý do tại sao. Sherwyn trả lời rằng: "Những đôi tất này hay bị tuột ra lúc con chạy nên con đánh dấu là tất dùng cho thứ ba và thứ năm, những ngày con không có tiết thể dục".

Chà, đây là ý tưởng sáng tạo không tồi đấy chứ! Vì vậy tôi không trách mắng mà cùng Sherwyn tìm ra giải pháp phù hợp hơn, chẳng hạn mua những đôi tất nổi bật hơn để phân biệt.

Điều quan trọng là tạo sự tin tưởng để trẻ tự tin thực hiện những ý tưởng của mình mà không sợ cha mẹ lo lắng, tức giận hay la mắng. Trẻ tài năng suy nghĩ theo cách riêng của chúng với những ý tưởng sáng tạo giúp xây dựng thế giới tương lai. Bạn có thể nhận những ánh nhìn đánh giá từ phía mọi người xung quanh, những người không hiểu rõ đứa trẻ của bạn, nhưng đổi lại bạn sẽ giúp con phát huy tài năng của mình.

3. Đối phó với thái độ của mọi người xung quanh

Một thực tế đáng buồn là trẻ tài năng thường phải chịu đánh giá, ánh nhìn tiêu cực từ mọi người xung quanh. Và phụ huynh có nhiệm vụ cung cấp cho trẻ những kỹ năng cần thiết để đối phó thế giới bên ngoài.

Khi ai đó nhận xét rằng bạn đang cướp đi tuổi thơ của con bằng cách ép chúng học quá nhiều, bạn có nên phản kháng lại không? Một số phụ huynh theo bản năng muốn bảo vệ con và bắt bẻ ý kiến của người khác. Số khác chỉ mỉm cười cho qua. Nếu trong phút cáu giận, bạn quyết định thách thức ý kiến của người khác, bạn cần xem xét lại ảnh hưởng từ những lời nói đó đối với con bạn. Trẻ có thể học cách xử lý bất đồng bằng xung đột giống như cha mẹ.

Thay vào đó, hãy cư xử nhẹ nhàng để dập tắt sự tò mò hoặc nghi ngờ của mọi người xung quanh. Thách thức của phụ huynh là đánh giá liệu quyết định nuôi dạy của mình có phù hợp với mong muốn và khả năng của trẻ. Nếu con bạn yêu thích học tập, chúng sẽ tự tìm thấy niềm vui trong kiến thức và việc bạn kích thích niềm đam mê của trẻ là đúng. Nếu không phải như vậy, bạn cần xem xét lại phương pháp nuôi dạy của mình.

4. Đối phó với bạn bè và người thân

Bạn bè và người thân có thể thoải mái hỏi bạn về những phương pháp nuôi dạy trẻ tài năng vì nghĩ rằng với sự thân thiết của đôi bên, đây không phải câu hỏi tế nhị dù có thể chính bạn cũng không biết lý do tại sao trẻ lại thông minh vượt trội. Không giống như khi nói chuyện với người ngoài, cuộc trò chuyện với bạn bè và người thân có thể xảy ra trong nhà nên bạn cần tránh bàn luận về chủ đề này trước mặt trẻ.

Việc con cái có tài năng thiên bẩm không phải là điều đáng để kiêu ngạo. Nhiệm vụ của bạn là làm cầu nối giữa con và thế giới bên ngoài, giúp mọi người hiểu rõ hơn về năng khiếu, mong muốn của trẻ, dẫu đó là những nguyện vọng khác biệt so với bạn bè thông thường.

5. Thời gian nghỉ

Là phụ huynh của trẻ tài năng cũng giống như cha mẹ của những đứa trẻ bình thường khác, bạn vẫn có những vai trò, nhiệm vụ khác trong xã hội. Thay vì dành toàn bộ thời gian chăm lo, chú ý đến từng thay đổi của trẻ, phụ huynh đừng quên dành thời gian cho cá nhân. Đó là những khoảnh khắc bạn tạm dừng suy nghĩ đến con, để con tự do khám phá thế giới, xây dựng mối quan hệ bên ngoài.

Bài có thể bạn quan tâm: Lời Phật Dạy về công ơn người mẹ khi mang thai

Tú Anh (Theo RFWP)

Nguồn: https://vnexpress.net/giao-duc/kinh-nghiem-nuoi-day-con-tai-nang-4060362.html