Những ngày gần đây, hàng trăm người dân các xã Tam Hiệp, Tam Hòa, thị trấn Núi Thành (huyện Núi Thành) ra sông Trường Giang chảy qua địa phương vớt rong rau câu chỉ vàng. Khu vực này giáp biển và sông có nước lợ thích hợp cho cây rong phát triển.
Từ lúc mặt trời chưa lên, ông Huỳnh Văn Quân (48 tuổi, xã Tam Hiệp) mang theo chiếc cào được làm bằng khúc tre dài 2 m, phía dưới gắn lưỡi cào bằng tre và một tấm lưới. Ông cùng một người đàn ông và một phụ nữ lên chiếc ghe chèo ra giữa sông, tìm nơi nước sâu khoảng 50 cm hành nghề.
Hai người đàn ông lội nước cho chiếc cào xuống đáy sông đẩy tới, đẩy lui chừng 5 phút. Túi lưới chứa đầy rong được đưa lên ghe thì người phụ nữ ngồi trên lượm lặt rác thải, bùn đất trộn lẫn phía trong ra khỏi rong.
Công việc ba người được lặp đi lặp lại đến 8h sáng. Rong chất đầy ghe thì cập bờ, rửa sạch cho vào bao tải và chở đi tiêu thụ với giá bán 4.000 đồng một kg.
Ông Quân cho biết, nghề vớt rong câu bắt đầu từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 5 hàng năm. Rong sống ở tầng đáy vùng nước lợ, chúng thích nghi với bùn để sinh sản phát triển. "10 năm qua thì năm nay được mùa rong. Trung bình 3 giờ làm việc, mỗi người cào được hơn 100 kg rong tươi, cho thu nhập gần 500.000 đồng", ông Quân nói.
Theo người dân địa phương, trước đây rong được người dân lấy về sử dụng làm thức ăn cho cá, một ít dành chế biến thành món ăn. Tuy nhiên mấy năm trở lại đây mặt hàng nà nhiều người mua nên có giá và người dân đi khai thác bán. "Ra Tết đến này người dân trong làng đều tranh thủ ra sông kiếm thêm thu nhập, người ít vài trăm ngàn, người nhiều thu tiền triệu mỗi ngày", ông Quân nói.
Cũng khai thác rong nhưng bà Phan Thị Lan (52 tuổi, xã Tam Hiệp) không có ghe thuyền nên lội ra sông. Bà canh thủy triều xuống cạn, tìm đến khu vực nước đến đầu gối và mang theo chiếc thau và rỗ để vớt rong.
Rong rau câu rửa sạch bán 4.000 đồng một kg. Ảnh: Đắc Thành.
Việc mò, vớt rong trong nước khá đơn giản, không mất tiền đầu tư chi phí nhưng lại có thu nhập khá nên nhiều gia đình rủ đến 3 đến 4 người cùng. Tuy nhiên nghề này cực lắm, thủy triều thường xuống vào rạng sáng nên phải ra sông từ sáng sớm.
"Mỗi ngày chỉ làm được khoảng 2 đến 3 tiếng. Trung bình mỗi người vớt 50 kg, thu về hơn 200.000 đồng", bà nói và chia sẻ tuy dễ kiếm tiền nhưng phải ngâm mình dưới nước liên tục.
Theo bà Lan, người dân thường chia thành từng nhóm để đi với nhau, vì lòng sông có chỗ nông chỗ sâu, khi gặp sự cố có người đi cạnh giúp đỡ.
Rong được tập kết vào bờ rửa sạch, sau đó cho vào bao tải chở về nhà phơi khô hoặc bán cho thương lái chờ sẵn ở trên bờ sông. Chúng thường được chế biến thành món gỏi, thạch rau câu...
Đắc Thành / theo vnexpress
Thành quả của bà Lan sau một lúc mò vớt rong. Ảnh: Đắc Thành.