Từ một xã miền núi với dân cư thưa thớt, đến nay, Sơn Lộc có 760 hộ với trên 2.600 nhân
khẩu. Đảng bộ xã có 150 đảng viên sinh hoạt tại 8 chi bộ; trong đó có 5 chi bộ nông thôn và 3 chi bộ các đơn vị.
Cách đây khoảng 5 năm trước, xã Sơn Lộc được đánh giá là một xã với nhiều khó khăn của huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cấp ủy, chính quyền nơi đây luôn bộn bề nỗi lo từ đời sống, việc làm, thu nhập của mỗi người dân đến cơ sở hạ tầng nông thôn vừa thiếu vừa yếu. Bài toán về xây dựng nông thôn mới (NTM) thực sự nan giải đối với Sơn Lộc khi toàn xã chỉ đạt 6 tiêu chí NTM.
Với những trăn trở không ngừng của lãnh đạo địa phương, sự hỗ trợ của cấp trên và đồng lòng, đoàn kết của người dân, đến nay, xã Sơn Lộc đã tìm ra hướng đi đúng và đang vững vàng tiến dần trên chặng đường phía trước, đặt ra mục tiêu đặt đạt chuẩn NTM vào năm 2021.
Cùng chúng tôi dạo quanh trên các vùng đồi trồng sâm Bố Chính đang vào mùa hoa nở rộ, thăm các mô hình phát triển kinh tế của địa phương, đồng chí Hoàng Đăng Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lộc cho biết, trên địa bàn hiện xã hiện có 1 HTX sản xuất, kinh doanh nấm sạch và 1 công ty nông nghiệp xanh chuyên các mặt hàng nông sản, sản xuất và chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Nhiều trang trại chăn nuôi và gia trại tổng hợp ở xã Sơn Lộc có quy mô khá bài bản. Đây là một trong những tiêu chí khó trong xây dựng NTM mà xã đã đạt được. Toàn xã hiện có 15 tiêu chí NTM đạt và một vài tiêu chí xấp xỉ hoàn thành. Nhưng cơ bản vẫn là đời sống của người dân khá ổn định với mức thu nhập 38 triệu đồng/người/năm.
“Nếu như xuất phát điểm còn lắm khó khăn thì nay Sơn Lộc đã có kết cấu hạ tầng hoàn thiện: từ điện, trạm đến trường học đều được xây dựng khang trang; 5/5 thôn có nhà văn hóa, sân vận động; từ giao thông nông thôn đến thủy lợi nội đồng đều được bê tông và cứng hóa. Xã đã mở rộng nhiều vùng sản xuất tập trung phù hợp với điều kiện đất đai..., từ đó, nâng cao giá trị văn hóa tinh thần, đồng thời tạo điều kiện tăng thu nhập cho người dân trên cùng đơn vị diện tích hay trên một sản phẩm..., Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Đăng Sơn chia sẻ thêm.
Theo đồng chí Hoàng Đăng Sơn, năng suất sản lượng lúa ở xã Sơn Lộc năm sau cao hơn năm trước. Nếu năm 2015, năng suất lúa chỉ đạt 45 tạ/ha, sản lượng 1.200 tấn thì nay, năng suất đạt 51 tạ/ha, sản lượng 1.400 tấn.
Hiện, bà con nông dân trong xã đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ đông-xuân. Đây là một trong những vụ mùa bội thu nhất từ trước đến nay, với năng suất lúa ước đạt gần 53 tạ/ha.
Để mức thu nhập của người dân ngày càng tăng, ngoài phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, cơ giới hóa, những năm qua, xã Sơn Lộc chú trọng phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn.
Các hoạt động buôn bán, kinh doanh cũng được nhân rộng và phát triển mạnh. Toàn xã hiện có gần 100 xe ô tô, máy nông nghiệp các loại để phục vụ nông nghiệp và dịch vụ vận tải hàng hóa; 87 hộ kinh doanh buôn bán nhỏ và vừa.
Sâm Bố Chính đơm hoa trên vùng đất “kinh tế mới” xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Ngoài ra, để giải quyết thêm việc làm cho người dân, Sơn Lộc chủ động liên kết với các trung tâm, trường dạy nghề của tỉnh để giới thiệu cho con em trên địa bàn tham gia đào tạo nghề, tư vấn tìm kiếm việc làm và xuất khẩu lao động. Bình quân hàng năm, toàn xã có trên 100 lao động có việc làm mới; trong đó có 50 người xuất khẩu lao động ra nước ngoài.
Trên cơ sở quy hoạch NTM, xã đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại lớn, bỏ dần tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ. Trên địa bàn xã xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi lợn, gà quy mô lớn. Điển hình có mô hình chăn nuôi lợn từ 100 đến 200 lợn nái ngoại và từ 150 đến 200 lợn thịt/lứa; mô hình kết hợp nuôi cá-lúa khép kín ở thôn Đồng Sơn, Thanh Lộc đưa lại hiệu quả kinh tế cao.
Để các loại nông sản của bà con nông dân trên địa bàn sản xuất có đầu ra thuận lợi, xã đã tạo điều kiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các thành phần kinh tế hoạt động hiệu quả với việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Một trong những chuỗi sản xuất có hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở Sơn Lộc là mô hình trồng cây dược liệu của Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Quảng Bình (ở thôn Đồng Sơn). Sản phẩm trà túi lọc cà gai leo của công ty được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP, đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Ông Phan Văn Tiến, đại diện Công ty Nông nghiệp xanh Quảng Bình cho hay: “Công ty hiện có 9ha sâm Bố Chính, 1ha cà gai leo đang giai đoạn phát triển, sắp cho thu hoạch. Hy vọng thời tiết “mưa thuận, gió hòa” như dịp này, trong thời gian tới, công ty chúng tôi sẽ lãi hàng trăm triệu đồng nhờ thu hoạch sâm củ. Từ các mô hình, công ty có doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng/năm; tạo được việc làm thường xuyên cho 15 lao động và 30 lao động thời vụ với mức lương bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng.”
Kinh tế phát triển, đời sống người dân tăng lên nên khi phát động phong trào chung sức xây dựng NTM, Sơn Lộc nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân.
Trong 5 năm, toàn xã huy động tổng kinh phí trên 23 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó, người dân đóng góp 5,7 tỷ đồng. Trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; y tế đạt chuẩn quốc gia 17 năm liên tục; tỷ lệ hộ nghèo dự kiến đến cuối 2020 giảm xuống còn 2,3%... là những thành quả mà Sơn Lộc không ngừng phấn đấu giữ gìn và vươn lên.
“Những thành quả đạt được hôm nay là hành trang, động lực để Sơn Lộc tiếp tục tạo được những bứt phá trong chặng đường phát triển phía trước”, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Đăng Sơn tự tin khẳng định.