Tại huyện Lạc Dương – nơi có phần lớn dân cư là người dân tộc thiểu số của tỉnh Lâm Đồng, mô hình liên kết sản xuất trồng nấm hương đã bước đầu thể hiện sự phù hợp, mang lại hiệu quả cao, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.
Đầu năm 2020, anh K’Lép ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương quyết định vay 50 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư xây dựng 50m2 nhà trồng nấm hương. Sở dĩ anh mạnh dạn chuyển sang trồng loại nấm này là vì tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất với một công ty tại Đà Lạt. Mọi yêu cầu về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nguồn mô giống và đầu ra sản phẩm đều được phía công ty đảm bảo.
Anh K’Lép cho biết, hiện bình quân mỗi tháng gia đình thu hoạch khoảng 200kg nấm, cho thu nhập ổn định hơn 5 triệu đồng.
"Tôi nhận thấy mô hình này đang phát triển tốt, làm cà phê thì cực khổ hơn nhiều mà thu nhập thì không bằng mô hình này. Nếu làm đạt thì mỗi tháng tôi lời được từ 5 - 7 triệu đồng từ một nhà nấm nhỏ như thế này. Tới đây tôi sẽ mở rộng thêm 2 hay 3 căn nhà trồng nấm nữa để cha mẹ đỡ nhọc hơn và có được nguồn thu ổn định hơn", anh K’Lép chia sẻ.
Tương tự, anh Tạ Đình Dương, ở thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương cũng vươn lên thoát khỏi khó khăn nhờ tham gia mô hình liên kết trồng nấm hương. Mới đây anh đã mở rộng quy mô trồng nấm lên 800m2, mỗi tháng cho thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng.
Anh Tạ Đình Dương cho rằng, việc trồng nấm hương không khó, mà có hiệu quả kinh tế cao nhờ được công ty liên kết bao tiêu sản phẩm.
"Tôi chỉ cần đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu từ phía công ty ký liên kết là được, còn họ sẽ đảm bảo đầu ra. Nói chung, tôi cứ tập trung làm ra sản phẩm cho tốt nhất, còn giá cả thì có thể nói đầu tư một thì sẽ lời được hai" - anh Dương chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương, mô hình liên kết sản xuất nấm hương trên địa bàn phù hợp với trình độ canh tác của người dân, mở ra cơ hội cho nhiều gia đình khó khăn vươn lên thoát nghèo. Hiện toàn huyện đã có hơn 30 hộ gia đình tham gia vào liên kết sản xuất này. Ngành nông nghiệp đang tiếp tục mở nhiều lớp tập huấn và chuyển giao kỹ thuật trồng nấm, đồng thời tìm kiếm thêm đối tác để giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ.
"Thấy được hiệu quả từ mô hình trồng nấm hương nên hiện nay nhu cầu liên kết sản xuất của người dân là rất lớn. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện mở rộng sản xuất và cũng đã đưa ra dự kiến đến năm 2025 cố gắng phấn đấu làm sao triển khai được khoảng 200 nhà nấm trên địa bàn", ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết.
Những kết quả đạt được từ mô hình liên kết trồng nấm ở Lạc Dương không chỉ góp phần giúp địa phương thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, mà còn tiến đến xây dựng vùng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, hạn chế tình trạng “được mùa mất giá”, hình thành tư duy sản xuất mới cho nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số./.
Quang Sáng/VOV-Tây Nguyên
Mô hình liên kết trồng nấm hương ở Lạc Dương cho thu nhập ổn định.