Phá rừng tìm Ngọc Am
Gỗ Ngọc Am từ lâu đã nổi tiếng bởi công dụng của tinh dầu có thể ướp xác hàng nghìn năm không bị mối mọt. Không biết đó là câu chuyện có thật hay chỉ là những lời đồn thổi của giới buôn gỗ chuyên nghiệp vùng Hoàng Su Phì. Nhưng sự thật đang diễn ra là người Trung Quốc vẫn trả giá cao khi ai đó có Ngọc Am để bán.
Một tay buôn gỗ nổi tiếng ở Hà Giang tên Quý trong chuyến vào rừng Hoàng Su Phì cùng chúng tôi kể lại rằng, năm 1998 Quý cùng một đệ tử vào rừng tìm thấy một khúc gỗ có mùi thơm lạ lùng. Để trong nhà thì muỗi lẫn mối mọt không bén mảng. Trong một lần đưa người bạn Trung Quốc về nhà, người này đã sững người khi thấy khúc gỗ vứt lăn lóc trong góc nhà. Anh ta ngỏ lời Quý bán với giá 20 triệu đồng rồi đem về nước. Mãi sau này gặp lại người bạn ấy mới biết, anh ta mua về để bán cho một đại gia người Quảng Tây dùng để chiết xuất lấy tinh dầu ướp xác ông bố sắp… “chầu trời”.
Từ đó, Quý dung nạp thêm gần 50 đệ tử chuyên đi rừng tìm Ngọc Am nhưng đều thất bại. Hoặc có thành công thì cũng chỉ một lượng nhỏ đủ bán cho các đại gia trong nước dùng để trang trí hay làm gì đó mà chính Quý cũng không hiểu.
Quý còn cho hay, từ năm 2000 đến nay anh và đám “săn” gỗ đã lục tung cả cánh rừng rậm ở Hoàng Su Phì và các huyện lân cận để tìm Ngọc Am. Nhưng anh cũng thành thật: “Hình như loại gỗ này chỉ xuất hiện với người nào có duyên với nó. Năm ngoái có người vào rừng kiếm củi đã lấy được cả tạ Ngọc Am và bán với giá rất cao…”.
Một người bạn của Quý là Lý Vương Thành được mệnh danh là “kỹ sư gỗ” là người chuyên đi tìm Ngọc Am nhưng chẳng mấy khi gặp. “Trong khi người ta đổ xô đi mua dầu Ngọc Am thì mình cũng tìm cách mà kiếm lời…” - Thành cho hay. Anh bật mí, đa phần dầu Ngọc Am trên thị trường hiện nay đều là giả, chiết xuất tinh dầu loại gỗ này không đơn giản. Chính Thành từng mua tinh dầu của cây Pơmu với giá rất rẻ, sau đó trộn với một ít tinh dầu Ngọc Am rồi rao bán. Thành cũng cho hay, những người làm tinh dầu Ngọc Am giả phần lớn ở đất Hà Giang, bởi đây là vùng đất cuối cùng sót lại loài gỗ quý hiếm này.
Gỗ Ngọc Am có giá 1 triệu đồng/kg, mùi rất thơm
'Săn' gỗ ở cửa khẩu Lao Chải
Theo thông tin của Quý thì hiện nay, tại cửa khẩu Lao Chải, huyện Vị Xuyên thường có những chuyến hàng Ngọc Am “tuồn” sang biên giới nước bạn. Các nhóm buôn Ngọc Am rất tinh vi, họ chuyển qua sát biên giới rồi thuê cửu vạn đưa sang Trung Quốc. Nếu chuyến hàng thành công, mỗi kilôgam Ngọc Am cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng.
Chúng tôi lập tức có mặt tại cửa khẩu Lao Chải để “mục sở thị” nhưng không thành công. Men theo cửa khẩu, chúng tôi đi dọc biên giới “rình” các cửu vạn vác hàng qua Trung Quốc nhưng rất hiếm.
Một nguồn tin nữa chúng tôi có được là tại sân của trạm kiểm soát Lao Chải có một khúc Ngọc Am rất quý, mùi thơm rất lạ lùng và đang là “tầm ngắm” của các tay “săn” gỗ chuyên nghiệp. Ngược biên giới, đi bộ về trạm kiểm soát, chưa kịp hỏi thăm cán bộ biên phòng, chúng tôi đã thấy một khúc gỗ đúng như thông tin “cấp báo”. Đó là khúc gỗ không lớn nhưng có mùi thơm gần giống trầm hương.
Bắt chuyện với một cán bộ biên phòng trẻ tại đây, anh này khẳng định đó là gỗ Ngọc Am. Nhưng có điều lạ là hầu hết Ngọc Am xuất hiện ở Lao Chải đều thành… củi đốt chứ không phải cái gì quý giá. Anh cán bộ này giải thích: “Ở vùng này người ta không coi trọng gỗ này, không biết đó là gì nên đem đốt, chúng tôi cũng chưa bắt được vụ nào vận chuyển Ngọc Am qua biên giới…”.
Khi chúng tôi đến UBND xã Lao Chải thì phát hiện một số người dân buộc gỗ Ngọc Am sau xe máy. Khúc gỗ trên xe đã bị cháy đen một góc và không biết họ chuyển lên UBND xã để làm gì, chỉ biết rằng họ đem lên rồi lại đem về cho vào bếp làm củi.
Đứng trước nhiều thông tin về loại gỗ quý này, chúng tôi đem chuyện hỏi Lý Vương Thành về giá cả 1kg gỗ Ngọc Am. Sau một hồi suy nghĩ, Thành cho biết nếu có Ngọc Am thật thì anh sẽ không ngại khi trả giá 1 triệu đồng/kg. 1kg ấy đem về chiết xuất ra tinh dầu rồi pha chế bán cũng đã quá hời.
Thành cho biết thêm, năm 2003 khi đến Hoàng Su Phì tìm gỗ nhưng cả tháng trời không thấy một mẩu. Đang lúc nản trí thì bắt gặp một tấm ván đậy từ một chiếc quan tài. Tấm ván bị chôn dưới đất lâu ngày nhưng mùi thơm vẫn nguyên vẹn nên Thành đem về bán với giá 30 triệu đồng. “Thời điểm đó bán quá rẻ chứ nếu như bây giờ thì phải được gấp đôi, gấp ba…”.
Gỗ Ngọc Am có giá 1 triệu đồng/kg, mùi rất thơm
Trừ tà hay độc tính chết người?
Tại Hà Nội và các thành phố lớn mấy năm nay có “phong trào” mua gỗ lũa Ngọc Am về trưng bày hoặc phục vụ nhu cầu phong thủy, vì nghe đâu Ngọc Am làm tăng dương khí có thể xua đuổi ma quỷ. Đó có lẽ là giải thích hợp lý một nửa khi dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã có cả một cuộc trưng bày gỗ lũa Ngọc Am của các đại gia khắp nước.
Theo thông tin mới nhất mà chúng tôi có được, các nhà khoa học của Nhật Bản sau khi nghiên cứu tinh dầu Ngọc Am đã kết luận tinh dầu Ngọc Am có độc tính với tế bào, gây đông vón protein tế bào ở người và động thực vật nên gỗ và dầu Ngọc Am chỉ thích hợp cho việc bảo tồn tế bào, bảo tồn xác ướp theo kinh nghiệm của người xưa.
Đó cũng là lý do vì sao trước đây người ta không làm các đồ vật bằng loại gỗ này bởi độc tính quá cao. Giải thích điều này, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết: “Những bộ quần áo của xác ướp vườn đào Nhật Tân khi để vào trong phòng kín, chỉ sau một đêm, tất cả muỗi và côn trùng trong phòng chết hết. Điều đó chứng tỏ dầu Ngọc Am có tính kháng khuẩn và độc tính cao…”.
Trong khi các đại gia vẫn đang ráo riết tung tiền “săn” gỗ Ngọc Am, các cánh buôn gỗ lậu vẫn đang ngày đêm tìm kiếm rình mò trong các cánh rừng ở Hoàng Su Phì và giá cả Ngọc Am ngày một tăng giá chóng mặt theo những lời đồn thổi… thì chúng ta vẫn chưa có một công trình nghiên cứu tỉ mỉ nào về tác dụng thực của loại gỗ này. Chỉ biết rằng, các cánh rừng được cho là sót lại gỗ Ngọc Am đang bị lục tung và nguy cơ loài gỗ quý này biến mất không phải chuyện xa vời.
Nguồn: Báo An Ninh Thủ Đô
Xem hình ảnh Quách gỗ ngọc am quý hiếm