Tê bì tay là triệu chứng không thể xem nhẹ bởi đây có thể là biểu hiện của việc cơ thể mệt mỏi quá độ sau khi làm việc nhiều hoặc là biểu hiện bệnh lý liên quan tới thần kinh và mạch máu, cơ xương khớp theo bác sĩ Hoàng Thị Thanh Thúy, Phó trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị.
Bác sĩ Thúy cho biết nguyên nhân gây tê bì tay rất rộng, gồm tê tay do tê tay cơ học và tê tay do bệnh lý.
Tê tay cơ học gồm việc tê tay sau khi làm các công việc phải sử dụng bàn tay nhiều, cười độ dày hoặc phải bê vác vật nặng nhiều, ví dụ công nhân lắp đặt điện tử, công nhân may... Khi bị tê tay cơ học, mọi người chỉ cần nghỉ ngơi thì cơ thể sẽ tự hồi phục.
Ở người trẻ, nguyên nhân gây tê bì tay thường gặp là co cơ vai gáy, là một dạng tê bì tay cơ học. Bệnh xuất hiện ở người làm lái xe, văn phòng, các công việc, vị trí nghề nghiệp đòi hỏi phải ngồi liên tục nhiều giờ trong ngày khiến cơ bị quá tải, căng cứng. Khi đó, cơ co cứng chèn ép vào các rễ thần kinh và đám rối thần kinh cánh tay gây tê tay.
Các nguyên nhân khác nghiêm trọng hơn đó là tê tay do bệnh lý về mạch máu và thần kinh, cơ xương khớp. Trong đó, các bệnh xơ vữa mạch máu và hẹp mạch máu có các mức độ tê tay khác nhau, phụ thuộc vào tình trạng bệnh. Người bệnh có thể bị đau buốt tay nếu bị tê tay nhiều, hoại tử tay khi bị tắc mạch máu. Hội chứng viêm mạch máu là Raynauld, co thắt mạch ngọn chi cũng sẽ gây tê tay và biến đổi màu sắc các mạch ngón tay.
Mọi người cũng có thể bị tê tay do bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh liên quan tới cơ xương khớp khác, kèm với tê tay là triệu chứng đau và co cứng khớp, nóng rát ở đầu ngón tay.
Các bệnh lý về thần kinh gây tê bì tay hay gặp nhất là tai biến mạch máu não ngoài tê bì còn gây yếu liệt vận động khu trú nửa người, tổn thương cột sống và tủy cổ cũng gây tê bì và có thể yếu liệt tứ chi tùy vị trí và mức độ tổn thương, các bệnh lý thần kinh ngoại biên như viêm đa dây thần kinh, viêm đa rễ và dây thần kinh, thoát vị đĩa đệm cột sống chèn ép tủy, chèn ép rễ cũng gây tê bì tay chân và ảnh hưởng đến cơ lực tứ chi.
Nguyên nhân gây tê bì tay thường gặp nhất do thoái hóa đốt sống cổ, ở cả nam và nữ, đặc biệt là những bệnh nhân nữ lao động nặng sau 30 tuổi. Các đốt sống cổ bị thoái hóa sẽ mọc ra gai xương ở thân đốt, chèn ép vào rễ thần kinh gây tê bì hai tay.
Triệu chứng tê tay thường gặp trong bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ. Bệnh xuất hiện do đĩa đệm vốn nằm giữa các thân đốt sống bị di lệch, có thể chèn ép vào rễ thần kinh, tủy sống. Khi đó, bệnh nhân ngoài cảm giác tê bì còn đau nhức từ cổ, lan xuống vai và cánh tay gây cảm giác khó chịu. Nếu đĩa đệm thoát vị chèn vào tủy sống có thể gây yếu liệt tứ chi tùy mức độ chèn ép. Tê bì tay còn có thể liên quan tới tình trạng liệt trong trường hợp người bệnh bị chấn thương tủy sống, u tủy, viêm tủy, gây ảnh hưởng tới sinh hoạt, chất lượng cuộc sống giảm sút rất nhiều.
"Triệu chứng tê tay chỉ là dấu hiệu gợi ý, bác sĩ phải khám kỹ bệnh nhân để xác định đúng căn nguyên và điều trị", bác sĩ Thúy nói.
Nếu tê tay mới xuất hiện, người bệnh cần theo dõi một vài ngày, nghỉ ngơi thư giãn. Triệu chứng tê tay chấm dứt sau khi nghỉ ngơi, người bệnh không cần đi khám, chỉ cần điều chỉnh thời gian nghỉ ngơi và chế độ sinh hoạt lao động hợp lý... Trong trường hợp triệu chứng tê tay tăng dần, không biến mất sau nghỉ ngơi và xuất hiện thêm các dấu hiệu khác như teo cơ, đau nhức, yếu liệt vận động chân tay người bệnh nên đi khám để được tư vấn và điều trị kịp thời vì có thể đó là biểu hiện của các bệnh lý nghiêm trọng hoặc các bệnh phối hợp khác cần phát hiện và điều trị sớm tránh để lại di chứng về sau.
Nguồn: https://giacngo.vn/yhocsuckhoe/2020/11/06/13C480/