Đặc điểm lan Hoàng Thảo Kèn
Hoàng Thảo Kèn là loại phong lan thuộc chi Lan Hoàng Thảo với hơn 1.200 loài khác nhau phân bố chủ yếu ở khu vực rừng tự nhiên từ Nam Á đến Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Cây mọc nhiều nhất ở các tỉnh miền Bắc như Lai Châu, Sơn La...và ở tỉnh Kon Tum.
Hoàng Thảo Kèn là loài biểu sinh, có tên khoa học là Dendrobium Lituiflorum. Cây thường mọc ở dưới những tán rừng nguyên sinh ở độ cao từ 300m đến 1500m so với mực nước biển.
Hoàng Thảo Kèn có kích thước trung bình, chiều dài tính từ gốc từ 30cm đến 80cm. Cây mọc thành cụm, thân căng tròn mập rủ xuống, trên thân có từ 11 đến 15 đốt hơi phình. Mỗi đốt trên thân cây non được bao bọc bằng các lớp lá, đến khi cây ra hoa hoặc già đi thì thân được bao bọc bởi lớp màng trắng mỏng, rụng hết lá.
Lá của Hoàng Thảo Kèn màu xanh mượt, hình bầu dục thon dài, đầu lá hơi nhọn, lá hơi khép hình chữ V và có độ dài từ 8 đến 13cm. Mỗi đốt trên thân mọc một lá so le nhau từ gốc tới ngọn. Lá rụng từ cuối mùa thu đầu mùa đông.
Hoa của Hoàng Thảo Kèn nở vào mùa Xuân vào tháng 2 hoặc tháng 3 dương lịch. Các bông hoa mọc từ các đốt kẽ mắt của lá đã rụng dọc theo thân cây, hoa mọc thành từng chùm 2 đến 3 bông một kẽ mắt có màu sắc tím rực rỡ, hương thơm và lâu tàn. Đường kính hoa từ 6 đến 10cm. Vành môi trắng, môi căng mọng hình chiếc loa kèn, bên trong tím đậm, cánh hoa màu tím biến thiên từ nhạt đến đậm.
Cận cảnh mặt hoa của Hoàng Thảo kèn
Hoàng thảo kèn có mấy loại hoa
Phân loại Hoàng Thảo Kèn theo màu hoa thì có 2 loại phổ biến nhất là Hoàng Thảo Kèn trắng và Hoàng Thảo Kèn tím. Màu hoa đặc trưng và phổ biến nhất là màu tím, sau đó đến màu trắng.
Hoàng Thảo Kèn 5 cánh trắng lưỡi tím
Hoàng Thảo Kèn trắng quý hiếm
Ngoài ra còn có loại Hoàng Thảo Kèn đột biến với 5 cánh trắng lưỡi tím cực đẹp và quý hiếm.
Hoàng Thảo Kèn trắng quý hiếm
Hoàng Thảo Kèn tím
Hoàng Thảo Kèn tím
Cách trồng Hoàng Thảo Kèn
- Thời gian trồng
Căn cứ vào thời kỳ sinh trưởng của cây thì thời điểm tốt nhất để trồng Hoàng Thảo Kèn là giữa mùa xuân tháng 3 đến tháng 4 dương lịch, lúc này thời tiết nắng ấm, cây đâm chồi nảy lộc mạnh, ngoài ra căn cứ thêm vào tình hình thời tiết nếu lạnh giá thì trồng muộn hơn.
- Chọn giống cây
Đối với loại Kèn mua từ rừng về, thường là cây trần, loại này rẻ, sức sống rất tốt, nên chọn những cây thân mập bánh tẻ còn tươi, đốt to rõ ràng, không có đốm đen hoặc bị nấm muội, bộ rễ đầy đủ.
Chọn cây Hoàng Thảo Kèn để ra hoa chơi Tết thì chọn những cây giống đã có nụ sắp trổ, búp to đều, đẹp, cây xanh tốt khỏe mạnh, sau đó về chỉ việc chăm sóc để kích hoa nở đúng dịp là đẹp.
- Xử lý giống
Kèn rừng mua về, cắt bỏ rễ già, nếu để nguyên chúng sẽ tích nước gây thối thân mẹ. Cắt xong nhúng phần rễ Hoàng Thảo Kèn vào nước vôi trong rồi treo ngược lên giá treo từ 2 đến 3 ngày ở nơi thoáng mát, tránh nắng gắt.
Đối với tách cây sang chậu khác thì cần tưới nước ướt đẫm gốc liên tục, 30 phút sau tách cây ra, dùng kéo cắt các phần rễ bị thối, sâu bệnh rồi chuyển sang chậu mới.
Hoàng thảo kèn Rừng
Cây con hoàng thảo kèn tách ra trồng trên chậu mới
Tách cây con trồng ra chậu mới
Kỹ thuật trồng Hoàng Thảo Kèn
Trồng ghép giá thể (Dành cho người đã có kinh nghiệm)
- Chuẩn bị: Giá thể gỗ lũa (hoặc thân gỗ vú sữa, nhãn, đào đều được), dây ghim
- Cách ghép: Khoan lỗ nhỏ sâu khoảng 5cm vào giá thể rồi đóng đinh tre thật chắc để định vị cây. Đặt thân cây Hoàng Thảo Kèn hướng lên trên, áp sát phần gốc vào giá thể và đinh tre, dùng dây thít ghim chắc cả khóm vào thân gỗ sao cho cây không bị rung lắc khi di chuyển hoặc gió to. Trường hợp thân quá dài và nặng thì phải ghép ngược thòng xuống như phi điệp và long tu hay hạc vỹ.
Khi lan đang có nụ thì chưa nên ghép ngay, treo ngược lên giá để nguyên 2 ngày sau đó hạ xuống, cắt rễ cách gốc khoảng 1cm đến 2cm rồi mới đem ghép. Ghép xong thời tiết khô ráo thì 1 tuần phun sương ẩm 2 lần, cho ẩm gốc, hôm nào mưa thì dừng không tưới.
Trồng vào chậu (Cách này đơn giản hơn)
- Chuẩn bị: Chậu trồng thoát nước tốt, xốp, cây sắt cố định, vụn gỗ lũa hoặc gỗ nhãn, đảo được xẻ nhỏ; phân bón
- Cách trồng: Cắt 2 miếng xốp hình chữ nhật, đặt vào chính giữa chậu sau đó cắm cây sắt có định chính giữa chậu. Tiếp theo, đổ hỗn hợp vụn gỗ vào gần đầy mặt chậu rồi đặt Hoàng Thảo Kèn vào chính giữa rồi ghim chặt cây với cây sắt cố định cho chắc chắn, lấp lớp gỗ mỏng che kín phần gốc. Phun sương ẩm cho phần gốc xong đặt cây nơi vị trí thoáng mát, nắng nhẹ.
Chăm sóc lan Hoàng Thảo Kèn
Hoàng Thảo Kèn ưa khô, ko thích ẩm ướt, lúc mới trồng ưa thời tiết mát mẻ, thông thoáng gió để mầm non phát triển.
- Ánh sáng: Đến thời điểm Lan Hoàng Thảo Kèn đã có mầm phát triển, bộ rễ bắt đầu ổn định thì cần mang cây ra nắng vào buổi sáng để cây khỏe. Cây không được cung cấp đủ sáng sẽ còi cọc, thân không mập mạp mà mảnh khảnh yếu ớt.
Khi cây đã đứng ngọn thì thời gian ăn nắng dài hơn để cho cây hấp thụ đủ nắng gió. Không nên trồng Lan Hoàng Thảo Kèn dưới tán cây quá râm mát, trồng dưới tán lưới che mỏng là thích hợp nhất.
- Cách tưới nước: Tưới nước căn cứ vào thời điểm cây phát triển và theo mùa. Thời kỳ phát triển là lúc Kèn cần rất nhiều nước để cây tích trữ chất dinh dưỡng cũng như kéo dài thân. Có thể tưới nước từ 1-2 lần một ngày.
Không nên tưới nước cho Kèn vào thời điểm từ 11h trưa đến 4h chiều. Thời điểm thích hợp tưới cho cây từ 5 đến 7h sáng và 5 đến 6h chiều. Không tưới nước vào những ngày mưa, độ ẩm trong không khí quá cao. Mùa đông tưới ít hơn, đảm bảo cây không bị héo.
- Bón phân cho Hoàng Thảo Kèn: Cần bón phân đúng liều lượng và theo thời gian định kỳ. Sử dụng loại phân hữu cơ là tốt nhất để bón cho cây, bổ sung thêm NPK pha loãng để phun cho lan trong giai đoạn cây ra mầm non và chuẩn bị ra hoa (sau ra hoa nên dùng 20-20-20 để cây phát triển đều, dùng NPK 6-30-30 hoặc 10-55-10 để bón sau thời kỳ trưởng thành và chuẩn bị ra hoa).
Ngoài ra, có thể bổ sung chất kích thích tăng trưởng cho phong lan để hỗ trợ cây lớn nhanh nhưng không lạm dụng dẫn tới chết đồng loạt.
- Phòng bệnh: Vào mùa hè, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều nên Hoàng Thảo Kèn dễ nhiễm một số bệnh như thắt gốc, thối nón, đốm lá, vàng lá, thối nhũn. Có thể dùng 1 số loại thuốc phòng bệnh định kỳ như Ridomil gold/ Antracol 70Wp, Aliette và các loại khác theo liều lượng và chỉ định của toa thuốc.
Trị nấm bệnh thối nhũn thì dùng Stanner, Poner 40TB hoặc Physan 20SL theo liều lượng của toa thuốc.