Mê trồng Hoa Lan bỏ phố về quê
Sau 6 năm bén duyên với hoa lan, anh Lê Văn Lộc (Phú Tân, An Giang) lập hẳn một khu vườn quy mô giữa vùng quê. Khu vườn có hơn 2.000 chậu lan rừng và các loại lan đang được ưa chuộng trên thị trường. Giới thiệu với khách tham quan, anh Lộc khẳng định: “Ngoài vẻ đẹp, thú chơi sang trọng, lan còn đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, đó là “lợi ích kép” thu hút người chơi lan đeo đuổi. Đơn cử 1 kie lan 5 cánh trắng Phú Thọ, thời điểm tôi mua về khoảng 8 triệu đồng, sau 1 năm rưỡi chăm sóc, cây nâng giá trị lên khoảng 400 triệu đồng.
Tại đây, cây lan tôi đang sở hữu giá trị cao nhất khoảng 700 triệu đồng, vẫn còn là giá “tầm trung” so với các loại đột biến được giới chơi lan biết đến”. Anh Lộc cho biết, bản thân rất mê hoa lan và đầu tư nhiều thời gian để tìm hiểu, trao đổi với người chơi và các vườn lan chuyên nghiệp trong nước, đặc biệt bị thu hút bởi lan đột biến.
Sau thời gian tiếp cận, anh Lộc tự trồng, nhân giống, bán sản phẩm khá ổn định nên quyết định từ bỏ công việc ở TP. Hồ Chí Minh để gắn bó với nghề trồng lan. Ở vùng sâu thuộc xã Hiệp Xương, vườn lan bạc tỷ của anh Lộc thật… không giống ai. Cuối tháng 12, lần đầu tiên anh tổ chức buổi giao lưu, kết nối các nhà vườn ở nhiều tỉnh, thành phố, mời công ty phần mềm gắn mã QR truy xuất nguồn cho số lan đột biến, lắng nghe những ý kiến đóng góp của người cùng nghề về mô hình của mình.
Cấp mã minh bạch cho lan đột biến
Trong vườn lan của anh Lộc, không gian trên cao là nơi đặc biệt để chăm sóc khoảng 200 chậu lan đột biến, lợi dụng được địa thế thuận lợi bên dưới có nước, xung quanh thoáng khí. Anh còn trang bị thêm máy đo độ ẩm, máy phun sương để điều chỉnh môi trường thích hợp. Khoảng 10 năm nay, lĩnh vực lan đột biến nở rộ, nhất là 5 năm nay nó trở thành hiện tượng “sốt” rất mạnh trong cộng đồng chơi lan.
Cấp mã QR cho lan đột biến
Giao lưu, tìm hiểu các loại lan đột biến
Theo GS Trần Duy Quý, gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến trong ngành sản xuất hoa, cây kiểng, riêng vùng ĐBSCL có rất nhiều vùng phát triển, như: Sa Đéc, Long Xuyên, Cần Thơ… Thị trường Việt Nam đang vươn tới rất mạnh là lúa gạo, nhưng toàn thế giới chỉ xoay quanh 30 tỷ USD, trong khi hoa lan, rau hoa, cây cảnh trên thế giới chiếm khoảng 150 tỷ USD. Đó là thị trường cực kỳ rộng lớn và Việt Nam mới bắt đầu bước vào sân chơi, chúng ta không sợ thừa nhu cầu như một số mặt hàng khác.
Để mở đường cho ngành hoa lan phát triển, GS Trần Duy Quý gợi ý: “Chúng ta phải biết học tập kinh nghiệm, tận dụng tất cả khoa học - công nghệ của thời kỳ 4.0. Trên nền tảng những giống đang có, chúng ta có thể lai tạo ra những giống mới hoàn toàn không có trong tự nhiên, hướng đến thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Lan cắt cành, lan cây, đặc biệt là lan đột biến có thể làm nên những tác phẩm đẹp trên gỗ lũa, trái cây, mô hình các con thú… và có thể cho ra hoa vào những thời điểm mong muốn trong năm, như: lễ, Tết mà các nước không thể làm được. Chúng ta không cần xuất số lượng nhiều mà chú trọng những sản phẩm có giá trị, như thời gian qua đã được cho các nước đặt mua thường xuyên, là: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…”.
- Kinh nghiệm phát triển hoa lan của Thái Lan và bài học cho Chương trình phát triển hoa lan của Thành phố Hồ Chí Minh
- Giả Hạc Di Linh: Loài hoa lan được săn lùng và có giá cao nhất trên thị trường
- Khai thác, vận chuyển hoa lan rừng trái phép sẽ bị xử phạt hành chính
- Hoa phong lan: Cách trồng và chăm sóc hoa lan hoàng thảo vôi tại nhà
MỸ HẠNH