Trong những công trình nghiên cứu khoa học, người ta đã phân tích được từ hoa đậu biếc có nhiều hợp chất hóa học hữu cơ, đáng chú ý là 2 hoạt chất: anthocyanin (một loại flavonoid) tạo nên màu xanh rực rỡ của hoa và cliotide.
Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy cliotide trong hoa đậu biếc có khả năng kháng khuẩn in vitro chống lại E. coli , K. pneumoniae , và P. aeruginosa.
Ngoài ra, chiết xuất trà hoa đậu biếc có thể giúp giảm đau và sưng rất tốt. Flavonoid trong trà đậu biếc cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch để giúp chống lại các chứng viêm và nhiễm trùng tốt hơn.
Theo một nghiên cứu năm 2010, chiết xuất từ hoa đậu biếc góp phần làm giảm tổng lượng cholesterol trong huyết thanh một cách đáng kể. Ngoài ra, loại hoa này cũng giúp giảm đáng kể lượng triglyceride và cholesterol xấu (LDL).
Hoa đậu biếc cũng có thể làm tăng tiết insulin giúp kiểm soát lượng đường trong máu, làm giảm một phần nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Bác sĩ Nguyễn Huy Cường – Phòng khám nội tiết, chuyển hóa đái tháo đường, Thái Hà, Hà Nội cho biết hoa đậu biếc được nhiều người bệnh tiểu đường sử dụng vì nó có khả năng kiểm soát đường huyết. Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về vấn đề này.
Tuy nhiên, bản chất của bệnh đái tháo đường, người bệnh chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục thường xuyên thì có thể đảm bảo được đường huyết ổn định. Việc uống thêm nước lô hội, nước hoa đậu biếc cũng là cách tăng cường bổ sung nước cho cơ thể.
Hiện, bác sĩ Cường khuyến cáo chỉ coi hoa đậu biếc như trà thông thường và không được thay đổi chế độ ăn của riêng bệnh nhân và cần thăm khám thường xuyên để kiểm tra đường huyết của mình hàng ngày, tầm soát các biến chứng của bệnh.
Tham khảo thêm thông tin khác về cây đậu biếc:
- Cây dược liệu cây Ðậu biếc - Clitoria ternatea L
- Dùng cây đậu biếc cần thận trọng 2 bộ phận này để tránh ngộ độc