Nõn ngô bị cắn nát, lá rách nham nhở cây không thể lớn là những hệ quả mà sâu keo mùa thu gây ra. Hơn 20 năm trồng ngô nhưng chưa bao giờ gia đình chị Chu Thị Chỉnh bản Tường Ban, xã Mường Cơi lại lo lắng như năm nay. 3 hécta ngô của gia đình chị đang đứng trước nguy cơ mất trắng vì khoảng 40% cây đã bị sâu keo mùa thu tàn phá.
Chị Chỉnh chia sẻ, nhà chị không có vốn đầu tư để trồng cây ăn quả, nên cứ theo cây ngô này mỗi một năm đầu tư hết từ 30-40 triệu đồng. "Đầu tư thì đã nhiều mà bây giờ sâu như thế này, phân đắt, giống đắt, mỗi một ruộng lại thêm 300-400 nghìn đồng thuốc sâu nữa mà lại hại sức khỏe nữa nên chúng tôi rất là chán", chị Chỉnh ngán ngẩm nói.
Bản Tường Ban có 102 hộ dân, kinh tế chủ yếu dựa vào cây ngô, đa số các hộ đều trồng nhiều từ 50-70kg ngô giống, tương đương từ 3-4 ha, tuy nhiên 2 năm trở lại đây sâu keo mùa thu xuất hiện phá hoại cây ngô khiến cho người dân hết sức lo lắng.
Ông Phan Đức Tính, bản Tường Ban, xã Mường Cơi nói: "Chúng tôi cũng muốn thay mặt bà con dân bản kiến nghị với các cấp, có phương hướng gì thay đổi hoặc hỗ trợ các thứ thuốc gì loại từ được cái sâu bệnh này không".
Theo các nhà khoa học, sâu keo mùa thu là loại ăn tạp, sinh sản nhanh, có tính gối lứa, khả năng kháng thuốc cao; mặt khác sâu thường nằm trong nõn cây ngô nên việc diệt trừ triệt để loài sâu này là rất khó khăn.
Trao đổi với PV, ông Lương Văn Tư, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phù Yên, cho biết: Sâu keo mùa thu là loại sâu đa thực rất khó trị, khi đã chui vào trong nõn của cây ngô, vì sâu keo là loại sâu miệng nhai, cắn sâu vào trong đọt của cây ngô. Chính vì vậy, chúng tôi khuyến cáo bà con nên sử dụng các loại thuốc lưu dẫn, thấm sâu, những dòng thuốc đấy mới trị được sâu tuyệt đối.
Sâu keo mùa thu thường nằm trong nõn ngô
Năm 2021, toàn huyện Phù Yên dự kiến trồng 12 nghìn hécta ngô, với diện tích rộng lại được trồng chủ yếu ở các khu đất dốc. Chính vì vậy người dân cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng nếu phát hiện các diện tích bị nhiễm sâu bệnh phải có biện pháp khoanh vùng, xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu gây ra.
Hiện nay hầu hết các cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện Phù Yên đều bán các loại thuốc phòng, trừ sâu keo mùa thu hại ngô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên khuyến cáo bà con nông dân phòng sử dụng các loại thuốc có thương phẩm có hoạt chất sau.
1. Hoạt chất Bacillus thuringiensis (Comazol 16000 IU/mg WP, Akido 20WP, Amatic 1010 bào tử/ml SC, Atimecusa 20WP, 36EC, 54EC, Enasin 32WP, Delfin WG 32 BIU). Cách phun 2 lần cách nhau 7 ngày. Phun thuốc khi sâu mới xuất hiện, tuổi 1 - 2. Lượng nước phun 400 - 600 lít/ha. Phun theo hàng ướt đều 2 mặt lá và nách lá. Dùng bép chụp phun từ trên xuống, phun vào nõn của cây.
2. Hoạt chất Spinetoram (Radiant 60SC): Phun giai đoạn cây có 4 - 6 lá thật khi sâu mới xuất hiện tuổi 1 - 2. Phun 2 lần cách nhau 10 - 12 ngày. Lượng nước phun 400 - 600 lít/ha. Phun theo hàng ướt đều 2 mặt lá và nách lá. Dùng bép chụp phun từ trên xuống, phun vào nõn của cây.
3. Hoạt chất Indoxacarb (Clever 150SC, 300WG, Endophos super 150SC, Obaone 95WG): Phun giai đoạn cây có 4 - 6 lá thật khi sâu mới xuất hiện tuổi 1 - 2. Phun 2 lần cách nhau 10 - 12 ngày. Lượng nước phun 400 - 600 lít/ha. Phun theo hàng ướt đều 2 mặt lá và nách lá. Dùng bép chụp phun từ trên xuống, phun vào nõn của cây.
4. Hoạt chất Lufenuron (Caranygold 120EC, Armcide 50WG): Phun giai đoạn cây có 4 - 6 lá thật khi sâu mới xuất hiện tuổi 1 - 2. Phun 2 lần cách nhau 10 - 12 ngày. Lượng nước phun 400 - 600 lít/ha. Phun theo hàng ướt đều 2 mặt lá và nách lá. Dùng bép chụp phun từ trên xuống, phun vào nõn của cây.
Việc phun thuộc trừ sâu phải đảm bảo đúng loại, đúng liều lượng