Bỉ vừa phát hiện một ca nhiễm "siêu biến thể" B.1.1.529 nhiều đột biến chưa từng thấy của SARS-CoV-2, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên là Omicron và đưa vào danh sách "biến thể đáng lo ngại".
Thông tin về ca nhiễm biến thể mới đã được nhà virus học hàng đầu của Bỉ, ông Marc Van Ranst, xác nhận. Theo đó, bệnh nhân này là một du khách trở về từ Ai Cập vào ngày 11/11, nhưng đến ngày 22/11 mới xuất hiện các triệu chứng đầu tiên.
Trả lời báo giới, Bộ trưởng Y tế Bỉ Frank Vandenbroucke, cho biết bệnh nhân này chưa được tiêm chủng.
"Đó là một biến thể đáng ngờ. Chúng tôi vẫn chưa biết liệu nó có phải là một biến thể rất nguy hiểm hay không", ông Vandenbroucke nói.
Hôm 26/11, chính phủ Bỉ đã thắt chặt các quy định chống dịch, trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 và số ca bệnh phải nhập viện tăng cao.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết trong một cuộc họp báo: "Số bệnh nhân trong khu chăm sóc đặc biệt đã tăng gấp đôi trong một tuần. Ranh giới đỏ đã bị vượt qua - và dĩ nhiên điều đó rất đáng lo ngại - tình hình tồi tệ hơn nhiều so với viễn cảnh tồi tệ nhất theo tính toán của các chuyên gia".
EU Observer cho hay Bỉ là một trong những quốc gia tiêm chủng hàng đầu châu Âu. Với hơn 17,1 triệu liều vaccine đã tiêm, khoảng 75,1% dân số Bỉ đã tiêm 2 liều vaccine COVID-19.
Chính phủ Bỉ cho biết nước này sẽ đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine tăng cường, ưu tiên giáo viên. Thủ tướng De Croo nói: "Nếu chúng tôi không có vaccine, thì tình hình sẽ còn bi đát hơn nhiều."
Siêu biến thể đáng lo ngại
Theo WHO, biến thể mới của SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu trong một số lượng nhỏ mẫu bệnh phẩm ở Nam Phi. Israel và Hồng Kông (Trung Quốc) cũng đã phát hiện một vài ca nhiễm biến thể mới này.
Được biết, biến thể Omicron (B.1.1.529) có khoảng 50 đột biến, trong đó bao gồm 30 đột biến ở protein gai - mục tiêu của hầu hết các loại vaccine hiện có. Trong khi đó, biến thể Delta đã gây ra 99% số ca mắc COVID-19 trên thế giới chỉ có 2 đột biến đối với vùng liên kết của thụ thể.
Điều này có nghĩa là biến thể Omicron có thể sở hữu khả năng "qua mặt" hệ miễn dịch trong cơ thể người tốt hơn những biến thể trước đó, hạn chế hiệu quả của vaccine COVID-19.
WHO đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp hôm 26/11 để xác định phương pháp điều trị và các loại vaccine COVID-19 hiện nay có thể bị biến thể mới ảnh hưởng như thế nào.
Châu Âu rung chuyển vì COVID-19
Biến thể Omicron xuất hiện tại châu Âu trong bối cảnh châu lục này vốn đang lao đao trước làn sóng bùng phát mới. Châu Âu đã ghi nhận hơn 2,4 triệu ca nhiễm COVID-19 mới trong tuần trước, tăng 11% so với tuần trước đó và chiếm 67% số ca nhiễm mới trên toàn cầu vào cùng khoảng thời gian.
Tuần này, chính phủ Bỉ đã thắt chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, trong đó bao gồm việc yêu cầu người dân làm việc tại nhà 4 ngày/tuần đến giữa tháng 12.
Áo cũng đã bắt đầu đợt phong tỏa lần thứ 4 kể từ ngày 22/11. Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg cho biết lần phong tỏa này sẽ kéo dài tối đa 20 ngày.
Tương tự, trước làn sóng bùng phát mới, Slovakia cũng vừa ban bố lệnh phong tỏa 2 tuần, đóng cửa các nhà hàng và một số cơ sở kinh doanh để chống dịch.
Hà Lan cũng phong tỏa một phần, các công ty được yêu cầu đóng cửa sớm và người dân được yêu cầu không tham dự các sự kiện thể thao trong 3 tuần.
Vương quốc Anh đã tạm dừng các chuyến bay từ 6 quốc gia trong khu vực, và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã đồng ý tạm dừng các chuyến du lịch đến và đi từ miền Nam châu Phi./.
Theo https://m.soha.vn/chau-au-thung-luoi-bien-the-omicron-sieu-dot-bien-xuat-hien-o-nuoc-tiem-chung-hang-dau-20211127111309715.htm