Các sản phẩm Nhật Bản nhập khẩu của Việt Nam bao gồm các loại cây và bộ phận của cây dùng làm dược liệu như cây gai dầu; các loại gia vị như tỏi đen, hạt tiêu đen, hồi, quế, gừng, nghệ; các loại hạt như hạt vừng và hạt quả hạch; các sản phẩm từ động vật giáp xác, động vật chết như mai mực, vỏ hàu, vỏ hà, gạc hươu, chất keo chế từ da trâu bò.
Tuy nhiên, so với một số nước khác, dược liệu Việt Nam có thị phần khá khiêm tốn tại thị trường Nhật Bản khi mới chiếm 1,1% trên tổng kim ngạch nhập khẩu dược liệu của nước này. Vì vậy, cơ hội cho các nhà sản xuất và xuất khẩu dược liệu của Việt Nam ở thị trường Đông Bắc Á này là rất lớn.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, nêu rõ: “Việt Nam có nguồn cung dược liệu khá dồi dào, với khoảng hơn 5.100 loài thực vật có công dụng làm thuốc. Tuy nhiên, hiện nay, xuất khẩu dược liệu của Việt Nam sang Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung chưa đáp ứng được tiềm năng và triển vọng so với nguồn cung.”
Điều đáng mừng là một số công ty dược phẩm Nhật Bản đã tỏ ý quan tâm tới nguồn dược liệu của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Công ty Cổ phần Hasu No Hana - nhà phân phối sản phẩm độc quyền cho nhiều công ty dược phẩm Nhật Bản như Công ty Dược phẩm JPS và Công ty Công nghiệp Dược phẩm Nikko tại thị trường Việt Nam, nói: “Trong quá trình nhập khẩu thuốc đông y từ Nhật Bản về Việt Nam, tôi nhận thấy nhu cầu nhập dược liệu thô từ thị trường Nhật Bản rất lớn. Trong khi đó, nguồn dược liệu thô của Việt Nam rất phong phú nhưng lại hạn chế về đầu ra. Vì thế, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu dược liệu thô Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.”
Mặc dù vậy, tại thị trường Nhật Bản, dược liệu của Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn từ nhiều đối thủ, nhất là Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa dược liệu Việt Nam không có cơ hội tại thị trường này.
Giám đốc Nhà máy sản xuất Tochigi của Công ty Dược phẩm JPS, ông Makoto Tamura cho biết: “Công ty chúng tôi dự định mở rộng ra các dự án quốc tế. Vì thế, mặc dù trong giai đoạn hiện tại, chúng tôi không nhập khẩu nguyên liệu thuốc thô từ Việt Nam mà chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng thuốc là nguyên liệu thiên nhiên nên chúng tôi cũng dự định mở rộng nhập khẩu từ các nước khác, trong đó có Việt Nam.”
Bên cạnh đó, Nhật Bản vẫn nổi tiếng với các quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm được sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu dược liệu Việt Nam cần phải chú ý tới tất cả các khâu chuẩn bị dược liệu, từ quy hoạch vùng trồng, chăm sóc và thu hoạch dược liệu cho tới chế biến thô và bảo quản sau thu hoạch.
Tìm hiểu thêm về dược liệu Việt Nam tại Chợ Dược Liệu Việt Nam