Đông trùng hạ thảo rất hiếm trong tự nhiên và cho đến nay, nuôi mẫu vật khỏe mạnh trong phòng thí nghiệm vẫn là một thách thức. Tuy nhiên, giáo sư Mi Kyeong Lee ở Đại học Quốc gia Chungbuk và cộng sự gồm tiến sĩ Ayman Turk tìm ra cách nuôi đông trùng hạ thảo trong môi trường kiểm soát mà không ảnh hưởng tới hiệu lực của chúng. Họ công bố nghiên cứu trên tạp chí Frontiers in Microbiology hôm 19/10.
Nấm Cordyceps nổi tiếng với đặc tính ký sinh. Bào tử của chúng bám vào côn trùng và giết chết chúng, mọc thành thể quả nảy nở từ mô vật chủ, tạo thành đông trùng hạ thảo. Dạng ký sinh này có tiềm năng lớn trong y học, chứa hoạt chất sinh học cordycepin có thể dùng để phát triển thuốc kháng virus và thuốc điều trị ung thư mạnh.
Nấm Cordyceps thường được nuôi trong phòng thí nghiệm trên hạt gạo lứt. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận thấy lượng cordycepin của chúng rất thấp và hàm lượng protein của gạo không đủ cao để cung cấp cho nấm. Do hiệu lực mạnh của cordycepin, nhóm của Lee nỗ lực tìm cách nuôi đông trùng hạ thảo khỏe mạnh trong phòng thí nghiệm và tổng hợp hoạt chất sinh học cho nghiên cứu y khoa. Họ cân nhắc dùng các loài côn trùng ăn được làm môi trường sinh trưởng cho đông trùng hạ thảo, nhưng những côn trùng khác nhau cung cấp dưỡng chất khác nhau.
Sử dụng dế, nhộng tằm, sâu bột, châu chấu, ấu trùng bọ cánh cứng hoa đốm trắng, bọ hung sừng chữ Y, các nhà nghiên cứu nuôi đông trùng hạ thảo trong hai tháng và sau đó thu hoạch để tìm hiểu kết quả. Họ phát hiện có sự khác biệt đáng kể giữa những thức ăn côn trùng. Đông trùng hạ thảo mọc to nhất trên sâu bột và nhộng tằm, kém nhất trên ấu trùng bọ cánh cứng và châu chấu. Tuy nhiên, kích thước phát triển tối đa không đi kèm lượng cordycepin cao. Dù không mọc lớn, đông trùng hạ thảo mọc trên bọ hung sừng chữ Y sản sinh lượng cordycepin cao nhất, gấp hơn 34 lần lượng thu được từ nhộng tằm. Ngoài ra, đông trùng hạ thảo nuôi trên côn trùng ăn được chứa nhiều cordycepin gấp hơn 100 lần so với nuôi nấm trên gạo lứt, theo Lee.
Nghiên cứu cho thấy chìa khóa để sản xuất cordycepin là lượng chất béo của côn trùng, không phải protein. Đặc biệt, lượng axit oleic cao rất cần thiết để tổng hợp cordycepin. Thêm axit oleic vào côn trùng cho sản lượng thấp giúp sản xuất cordycepin ở đông trùng hạ thảo tăng 50%. "Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh một phương pháp để tăng cường sản xuất cordycepin ở đông trùng hạ thảo là sử dụng côn trùng với hàm lượng axit oleic cao", Lee cho biết. Kết quả nghiên cứu mang đến hy vọng cho các chuyên gia đang tìm kiếm những loại thuốc mới để điều trị bệnh.
Theo vnexpress