Đã có hơn 1.000 trẻ mắc virus hợp bào hô hấp: 5 dấu hiệu điển hình để nhận biết bệnh

Virus hợp bào hô hấp (RSV) là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra những biến chứng đáng tiếc.


Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến ngày 5/3/2023, tổng số ca nhiễm RSV ghi nhận trong toàn Bệnh viện là 1.025 trường hợp. Bệnh đang có xu hướng gia tăng, diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ và có bệnh lý nền. Chỉ tính riêng từ ngày 1/3-5/3 đã có 157 trường hợp trẻ mắc bệnh này.

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, các giường bệnh đều kín mít. Phòng 118 có 3 bệnh nhi đang điều trị thì cả 3 đều mắc RSV.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết có nhiều loại virus gây ra các bệnh lý hô hấp, đứng đầu là RSV. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa Thu – Đông hoặc Xuân – Hè (từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm).

Trong thời tiết giao mùa, bệnh nhi mắc bệnh lý này sẽ tăng lên vì giai đoạn này điều kiện không khí độ ẩm có sự thay đổi, khả năng sinh sôi và phát tán virus mạnh hơn. Do hệ thống miễn dịch của trẻ em chưa được hoàn chỉnh, trong khi RSV có ái lực với đường hô hấp trên mạnh nên trẻ em là đối tượng dễ mắc virus này nhất.

RSV xâm nhập vào cơ thể qua mắt, mũi hoặc miệng. Nó dễ dàng lây lan trong không khí thông qua các giọt bắn mang mầm bệnh do người bệnh phát tán ra. Như vậy, bạn hoặc con bạn có khả năng bị nhiễm RSV nếu ai đó mang virus này ho hoặc hắt hơi gần bạn. RSV cũng truyền sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp, chẳng hạn như bắt tay với người bệnh hay chạm vào bề mặt cứng có virus.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nếu không được điều trị kịp thời, RSV sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, bệnh hen suyễn, suy phổi, xẹp phổi, tràn khí màng phổi,…

Dấu hiệu nhận biết mắc RSV

- Sốt cao không hạ

- Khó thở nghiêm trọng

- Da xanh xao, đặc biệt là trên môi và các móng tay

- Bệnh nhân ăn không đủ 80% lượng ăn bình thường

- Nồng độ oxy trong máu dưới 95%

Cách phòng ngừa RSV

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây.

- Tránh sờ tay lên mắt, mũi hoặc miệng khi chưa rửa sạch tay.

- Tránh tiếp xúc gần gũi, chẳng hạn như hôn, bắt tay, dùng chung cốc và dụng cụ ăn uống… với người khác nếu bạn hoặc họ bị bệnh.

- Làm sạch và khử trùng các bề mặt mà bạn thường xuyên chạm vào.

- Dùng khăn giấy để che miệng khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vứt khăn giấy đi và rửa tay sạch sẽ.

- Hạn chế tiếp xúc với người khác nếu bạn được chẩn đoán nhiễm RSV.

- Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người.

- Đối với trẻ nhỏ - đối tượng có nguy cơ cao nhiễm RSV - cần tránh đưa trẻ đến nơi công cộng như siêu thị, trung tâm thương mại… nhằm ngăn ngừa nhiễm bệnh.

Theo soha