Theo một báo cáo xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ của AC Nielsen, có tới 86% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên lựa chọn thực phẩm hữu cơ cho bữa ăn hàng ngày vì tính an toàn, giàu dinh dưỡng và hương vị. Thực tế này cho thấy, khi thu nhập và đời sống ngày càng nâng cao thì người tiêu dùng dần hướng đến lối sống xanh, lành mạnh thông qua sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường.
Nhằm đáp ứng các mục tiêu của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ ASEAN, nông nghiệp hữu cơ cần đáp ứng các mục tiêu sau đây: áp dụng sản xuất hữu cơ lâu dài, bền vững, theo hướng sinh thái và có tính hệ thống; đảm bảo độ phì của đất lâu dài và dựa trên đặc tính sinh học của đất; giảm thiểu và tránh dùng vật tư, nguyên liệu đầu vào là chất tổng hợp trong tất cả các giai đoạn của chuỗi sản xuất, cũng như sự phơi nhiễm của con người và môi trường đối với các hóa chất bền hoặc có nguy cơ gây hại; giảm thiểu việc gây ô nhiễm từ hoạt động sản xuất đến môi trường xung quanh; không sử dụng các công nghệ không có nguồn gốc tự nhiên (ví dụ: các sản phẩm từ kỹ thuật biến đổi gen, công nghệ chiếu xạ...); tránh bị ô nhiễm từ môi trường xung quanh; duy trì tính chất hữu cơ trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản và vận chuyển.
Việt Nam cần áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, điều này sẽ giúp các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tìm hiểu và áp dụng đúng bộ TCVN về nông nghiệp hữu cơ. Từ đó, doanh nghiệp có sự điều chỉnh kịp thời trong sản xuất kinh doanh, phù hợp với những yêu cầu của quản lý nhà nước, xã hội; nâng cao chất lượng sản phẩm, thuận lợi khi tiếp cận thị trường quốc tế. Các TCVN được công bố sẽ góp phần minh bạch hóa hoạt động sản xuất, chế biến, chứng nhận, ghi nhãn và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tạo động lực để ngành nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững.
Từ năm 2017 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành và công bố nhiều tiêu chuẩn liên quan đến nông nghiệp hữu cơ, ví dụ bộ Tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia Việt Nam bao gồm các Tiêu chuẩn: TCVN 11041-1:2017: Nông nghiệp hữu cơ - Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; TCVN 11041-2:2017: Nông nghiệp hữu cơ - Phần 2: Trồng trọt hữu cơ; TCVN 11041-3:2017: Nông nghiệp hữu cơ - Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ;...
Bên cạnh trồng trọt và chăn nuôi thì nuôi trồng thủy sản hữu cơ cũng là lĩnh vực được quan tâm. Với bờ biển dài 3.260 km và diện tích mặt nước khoảng 1 triệu km2, Việt Nam có tiềm năng để phát triển ngành rong biển. Việc nuôi trồng rong biển hữu cơ cũng là hướng đi tiềm năng. TCVN 11041-3:2023 về rong biển hữu cơ đã được đề xuất xây dựng để hỗ trợ hướng sản xuất này.
Ngày 07 tháng 3 năm 2023, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 317/QĐ-BKHCN về việc công bố 05 tiêu chuẩn quốc gia thuộc bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041 (các phần từ Phần 09 đến Phần 13) đối với mật ong hữu cơ, rong biển hữu cơ, nấm hữu cơ, rau mầm hữu cơ và đối với hoạt động trồng trọt hữu cơ trong nhà màng, thùng chứa.
Theo vietq