Nấm quế linh chi quý hiếm ở Ninh Thuận
Một ngày trung tuần tháng 9, PV Dân Việt tìm về Vườn Quốc gia Phước Bình ở huyện Bác Ái (Ninh Thuận) và ghi nhận câu chuyện các kỹ sư nơi đây đã phát hiện, nuôi cấy thành công nấm quế linh chi, một loại nấm quý hiếm ở Việt Nam.
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình trồng nấm quế linh chi rộng gần 200 mét vuông ở vườn thực vật, anh KNão Duy Pháp – Kỹ sư ở Vườn Quốc gia Phước Bình cho biết, nấm quế linh chi được ghi nhận phân bố ở VQG Phước Bình từ năm 2018.
Trong quá trình nghiên cứu, đến nay VQG Phước Bình cũng đã nuôi cấy thành công để bảo tồn nguồn nấm quý này.
Cũng theo anh Duy Pháp, nấm quế linh chi có tên khoa học là Humphreya Endertii, một loài nấm dược liệu thuộc chi nấm Humphreya, họ Ganodermataceae, bộ Ganodermatales. Loại nấm này có chứa nhiều hoạt chất có giá trị cao về mặt y học.
Qua nghiên cứu đã phát hiện nhiều hoạt chất quý mà nấm linh chi ở nơi khác không có. Đặc biệt, nấm quế linh chi ở VQG Phước Bình có chứa nhiều hoạt chất sinh học có khả năng ức chế tế bào ung thư và kháng được 6 chủng vi khuẩn gây bệnh.
Ngoài ra, bào tử của loại nấm này còn chứa hoạt chất có tính sinh học, là cơ sở cho việc phát triển nguồn dược liệu chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp trong tương lai, góp phần bảo vệ các nguồn gen quý của Việt Nam.
"Nấm quế linh chi là loài nấm quý hiếm hiện nay ở Việt Nam, chỉ được phát hiện tại hai VQG là Nam Cát Tiên (Đồng Nai) và Phước Bình (Ninh Thuận)…", anh Pháp cho hay.
Theo Ban quản lý VQG Phước Bình, đơn vị này cũng đã phối hợp Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Ninh Thuận, Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM, Viện công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học công nghiệp TP.HCM) để thực hiện đề tài "Bảo tồn và phát triển nguồn gen nấm quế linh chi (Humphreya Endertii) có nguồn gốc tại VQG Phước Bình".
Theo ông Nguyễn Ngọc Minh – Phó giám đốc phụ trách VQG Phước Bình, mục tiêu của đề án nói trên nhằm góp phần bảo tồn ngoại vi nấm Quế linh chi.
Đồng thời sẽ đánh giá, so sánh về công dụng dược liệu của nấm quế linh chi, hướng đến xây dựng các mô hình sản xuất nấm quế linh chi đáo ứng yêu cầu làm nguồn nguyên liệu dược liệu tại tỉnh Ninh Thuận.
Khu nuôi trồng nấm Quế linh chi trong nhà tại Vườn Quốc gia Phước Bình. Ảnh: Đ.C
Hướng đến chuyển giao để nhân rộng trồng nấm quế Linh Chí
Theo nhóm nghiên cứu VQG Phước Bình, việc công bố các hoạt chất có giá trị dược liệu trong nấm quế linh chi và hoàn thiện được quy trình nuôi trồng là điều kiện để chuyển giao, nhân rộng mô hình sản xuất nấm quế linh chi cho người dân trong vùng.
Kỹ sư KNão Duy Pháp cho biết, việc nuôi trồng nấm quế Linh chi ở VQG Phước Bình cũng khá đơn giản, chi phí đầu tư thấp, không cần diện tích lớn, ít tốn công chăm sóc. Người dân có thể trồng nấm dưới tán rừng, vườn cây ăn trái, tận dụng vật liệu sẵn có như tre, nứa làm khung đỡ giá thể nấm.
Nấm quế linh chi có thời gian sinh trưởng tính từ tơ nấm đầy bịch cấy đến khi nấm phát tán bào tử lứa đầu tiên là 40 - 45 ngày. Năng suất nấm trung bình 16kg khô/1000 bịch phôi. Khoảng cách giữa lứa thứ nhất và lứa thứ hai từ 20 - 25 ngày.
"Việc làm chủ được nguồn giống và sản xuất được nấm quế linh chi tại VQG là điều kiện quan trọng để có thể chủ động cung cấp cho thị trường và định hướng chuyển giao công nghệ cho cộng đồng. Việc này cũng sẽ góp phần phát triển nghề trồng nấm tại địa phương, tiến tới hình thành một sản phẩm đặc sản phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng cũng như du lịch tại VQG Phước Bình nói riêng và tỉnh Ninh Thuận nói chung…" anh Pháp cho hay.
Vườn Quốc gia Phước Bình nằm ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận được thành lập Quyết định số 822/QĐ-TTg ngày 8/6/2006, chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Phước Bình thành Vườn quốc gia Phước Bình trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam.
Vườn có tổng diện tích 19.814 ha chia làm 3 phân khu chức năng gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rộng 10.486 ha, Khu phục hồi sinh thái rộng 9.144 ha và Phân khu hành chính - dịch vụ rộng 184 ha.
Hiện trạng thảm thực vật rừng gồm kiểu rừng kín thường xanh chủ yếu cây lá rộng á nhiệt đới núi thấp có diện tích 1858,94ha, chiếm 9,38% diện tích tự nhiên vườn, phân bố ở độ cao trên 1000m so với mực nước biển, ở phía Tây, Tây Bắc và phía Bắc Vườn Quốc gia. Kiểu rừng này phát sinh trên các loại đất Feralit núi cao. Nhiệt độ ở kiểu rừng này thường thấp hơn từ 3-40c so với vùng thấp; độ ẩm cao, nhiều mây mù.
Theo datviet
Những thân nấm quý được nuôi trồng thành công và phát triển tốt. Ảnh: Đ.C