"Tình yêu thực sự là gì?" không chỉ là nỗi băn khoăn của những kẻ đang yêu hay đang thất tình, đây cũng là vấn đề được các nhà tâm lý học dành nhiều sự quan tâm.
Vào những năm 1980, Robert Sternberg - Nhà tâm lý học người Mỹ đã phát triển một lý thuyết về tình yêu. Theo Robert, tình yêu đích thực phải là sự hội tụ của 3 yếu tố: Sự hòa hợp về mặt cảm xúc, đam mê về mặt thể xác và cam kết đồng hành với nhau tới từ cả hai phía .
Sau này, dựa vào chính lý thuyết này, Sternberg cũng đã chỉ ra 7 kiểu tình yêu tồn tại trên đời.
1. Sự say đắm
Theo quan điểm của nhà tâm lý học Robert Sternberg, cảm giác say đắm một ai đó cũng chính là một kiểu tình yêu. Đây là giai đoạn mà một trong hai, hoặc cả hai không biết gì nhiều về đối phương, nhưng vẫn không thể ngừng nghĩ về nhau hay thôi mơ mộng về việc tương lai sẽ trở thành một cặp.
Tuy nhiên, Robert không nghĩ rằng kiểu tình yêu này có khả năng tiến triển thành một mối quan hệ nghiêm túc, lâu dài bởi cảm giác say đắm thường là nhất thời.
2. Cảm giác thích
Đây là kiểu tình yêu mà bạn luôn có thể là chính mình mà không phải gồng mình giấu đi cảm xúc của bản thân hay thay đổi bất kỳ điều gì. Trong kiểu tình yêu này, mọi người thường gắn bó với nhau vì những sở thích, quan điểm chung về cuộc sống và vì cảm giác được thấu hiểu.
Tuy nhiên, các nhà tâm lý học tin rằng nếu không có sự đam mê về thể xác và cam kết đồng hành, kiểu tình cảm này có nhiều khả năng sẽ phát triển thành tình bạn hơn là một tình yêu trọn vẹn.
3. Tình yêu "trống rỗng"
Tình yêu kiểu này thường chỉ có sự cam kết đồng hành mà không có sự hòa hợp về mặt cảm xúc hay đam mê thể xác. Các nhà tâm lý học cho rằng những người đã trải qua quá nhiều nỗi đau trong chuyện tình cảm thường có xu hướng tạo ra một tình yêu "trống rỗng". Nói cách khác, những người này không cần gì hơn một người ở cạnh mình.
4. Tình yêu mù quáng
Cam kết đồng hành và đam mê về mặt thể xác là hai yếu tố của kiểu tình yêu này. Tình yêu mù quáng tồn tại khi 2 người thực sự bị thu hút bởi đối phương và sẵn sàng "tuân theo" những cột mốc được coi là truyền thống trong tình yêu: Hẹn hò một thời gian, rồi kết hôn, sau đó là sinh con và cùng nhau chia sẻ trách nhiệm trong gia đình.
Thoạt nghe, kiểu tình yêu này có vẻ là hoàn hảo nhưng các nhà tâm lý học cho rằng kiểu tình yêu này không thực sự có được sự thân mật, hay nói cách khác là hai người không có sự hòa hợp về mặt cảm xúc. Họ có thể đồng hành cùng nhau lâu dài nhưng vì hạnh phúc chỉ mang tính tương đối vì không ai coi đối phương là tri kỷ.
5. Tình yêu lãng mạn
Kiểu tình yêu có sự xuất hiện của sự hòa hợp về mặt cảm xúc và đam mê về mặt thể xác nhưng lại thiếu đi sự cam kết đồng hành. Những cặp đôi có kiểu tình yêu lãng mạn thường bị thu hút bởi nhau và cảm thấy thoải mái khi ở cạnh nhau, nhưng họ chưa sẵn sàng thực hiện những cam kết nghiêm túc.
Chính bởi thế, những mối quan hệ kiểu này thường không đạt tới mức độ chung sống hay kết hôn.
6. Sự đồng hành
Kiểu tình yêu này bao gồm sự cam kết đồng hành và sự hòa hợp về mặt cảm xúc nhưng lại thiếu đi đam mê về mặt thể xác. Các nhà tâm lý học khẳng định rằng kiểu tình yêu này thường xuất hiện sau nhiều năm hai người hẹn hò, chung sống hoặc đã kết hôn.
7. Tình yêu trọn vẹn
Giống như thuyết về tình yêu đích thực của Robert Sternberg, 3 yếu tố đam mê về mặt thể xác, sự hòa hợp về cảm xúc và sự cam kết sẽ xuất hiện đồng thời trong kiểu tình yêu trọn vẹn này. Tất nhiên, cấp độ của mỗi yếu tố không phải lúc nào cũng bằng nhau. Theo Robert, đấy là kiểu tình yếu "hiếm có khó tìm nhất" và không phải ai cũng có cơ hội được trải nghiệm.
Theo soha