Theo khuyến cáo của chuyên gia, uống quá nhiều cà phê muối có thể gây ra tác hại tới sức khoẻ tim mạch.
TS.BS Trần Hoà, Phó trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Tổng thư ký phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam, cho biết cà phê là thức uống phổ biến trên toàn thế giới, được nhiều người ưa chuộng.
Y học đã nghiên cứu cho thấy cà phê có nhiều chất chống oxy hoá, giúp giảm các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Thường xuyên uống cà phê cũng giúp giảm nguy cơ đái tháo đường, kiểm soát huyết áp, giảm nguy cơ đột quỵ và tử vong do tim mạch.
Theo bác sĩ Hoà, một ngày uống 1-2 ly cà phê có thể giúp cho tim mạch hoạt động tốt hơn. Do vậy, chúng ta có thể sử dụng cà phê hằng ngày nếu dùng vừa phải.
Tuy nhiên, cà phê có chứa caffeine gây nghiện nhẹ. Một số người có trạng thái phụ thuộc vào cà phê. Bên cạnh đó, có một số người không thích ứng được với cà phê - khi uống vào sẽ có cảm giác khó chịu, tim đập nhanh, bồn chồn, rối loạn tiêu hoá, tăng huyết áp.
Thời gian gần đây, cà phê muối trở thành thứ nước uống nổi tiếng. Đối với cà phê, khi cho thêm muối sẽ làm giảm vị đắng, tăng hương vị cà phê nên mọi người rất thích. Nhiều người cho rằng "uống cà phê muối thay cho đường là tốt cho sức khoẻ", "lượng muối bỏ vào cà phê là rất nhỏ, không gây ảnh hưởng cho sức khoẻ". Tuy nhiên,bác sĩ Trần Hoà nói phải xem xét lại những quan điểm này.
Bác sĩ Trần Hoà cho rằng muối là gia vị không thể thiếu trong chế biến. Thế nhưng, theo khuyến cáo của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), một người không nên tiêu thụ quá 5g muối/ngày. Theo thống kê, lượng muối của người Việt tiêu thụ đã gấp gần 2 lần lượng khuyến cáo.
Ăn quá nhiều muối và quá thường xuyên làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch. Theo bác sĩ Trần Hoà, một ly cà phê muối có ít nhất từ 1-2g muối. Do vậy, mỗi ngày dùng 1-2 ly cà phê muối cộng thêm chế độ ăn thừa muối hằng ngày sẽ tạo áp lực với tim.
"Việc uống liên tục cà phê muối, ăn thức ăn có muối sẽ làm tổng lượng muối tăng lên. Muối tích tụ trên thành mạch và gây ra biến chứng, gây ra tăng huyết áp. Do vậy, người khoẻ mạnh uống cà phê muối thường xuyên kéo dài cũng sẽ ảnh hưởng tới tim mạch", bác sĩ Trần Hoà nói.
Theo vị chuyên gia, nếu thích uống cà phê muối thì 1 tuần chỉ nên dùng một lần.
Đối với người có yếu tố bệnh nền (tăng huyết áp, suy tim) nếu dùng cà phê muối quá nhiều sẽ rất nguy hiểm. Người suy tim chỉ được khuyến cáo dùng 1-2g muối/ngày.
Ăn nhiều muối khiến cho cơ thể giữ nước, khi đó trái tim sẽ phải hoạt động nhiều hơn (nguy cơ rối loạn tim mạch). Do vậy, người có bệnh lý tăng huyết áp, bệnh tim thì không nên uống thêm cà phê muối, theo vị chuyên gia.
Bác sĩ Hoà cũng bày tỏ lo ngại trước xu hướng bỏ muối vào trong các loại nước uống khác. Cho dù dùng muối để làm gì thì mọi người cũng nên lưu ý mức khuyến cáo là dưới 5g/ngày.
theo Phụ nữ số
Ăn thừa muối và nguy cơ mắc tăng huyết áp, bệnh tim mạch và các bệnh tật khác
Ăn thừa muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác. Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và gây ra rối loạn khác cho sức khỏe. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5 gam muối/ngày (tương đương với 1 thìa cà phê). Tuy nhiên đa số người dân đều tiêu thụ muối gấp đôi so với khuyến cáo, tức là khoảng 10 gam/ngày.
5 gam muối tương đương với bao nhiêu?
- 1 thìa cà phê đầy muối
- 8 gam bột canh (bằng 1,5 thìa cà phê đầy)
- 11 gam hạt nêm (bằng 2 thìa cà phê đầy)
- 25 gam nước mắm (bằng 2,5 thìa ăn cơm)
- 35 gam xì dầu (bằng 3,5 thìa ăn cơm)
- Lượng gia vị mặn trong 1 gói mì ăn liền
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra toàn quốc năm 2015, trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 9,4 gam muối trong một ngày, nghĩa là cao gấp đôi so với khuyến cáo. Số liệu cho thấy hiện nay tại Việt Nam cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp, cứ 3 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp do các bệnh tim mạch, chủ yếu tử vong do tai biến mạch não. Trong năm 2016 ước tính toàn quốc có tới 81.800 trường hợp tử vong do bệnh mạch máu não (chiếm 15% tổng số tử vong trên toàn quốc) và 67.500 trường hợp chết do nhồi máu cơ tim (chiếm 12% số tử vong).
Thói quen sử dụng muối của người Việt Nam
Theo điều tra năm 2015, 89,2% người nấu ăn luôn cho muối, mắm, gia vị mặn khác vào thực phẩm khi chuẩn bị, chế biến và nấu ăn; 70% thường xuyên trộn, chấm mắm, muối, bột ngọt, nước tương, mì chính và các gia vị có muối khác với thức ăn trong khi ăn (muối trên bàn ăn); 19,5% thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối như dưa, cà muối, mỳ ăn kiền, bim bim, lạc rang muối, hạt điều mặn, dưa chuột muối, thịt muối và các loại thịt chế biến khác (xúc xích, dăm bông, thịt xông khói, giò, chả...).
Mặc dù hầu hết người Việt Nam ăn nhiều muối nhưng chỉ có 16% số người khi được hỏi cho rằng bản thân có ăn mặn.
Tác hại cafe muối ý tưởng đột phá tạo ra thế hệ trẻ đầy bệnh tật