Cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ. Tương lai con trẻ phụ thuộc rất lớn vào nền giáo dục gia đình. Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi, kiểu giáo dục gia đình nào có thể nuôi dưỡng những đứa trẻ thành công?
Thực tế, khi gia đình có một số dấu hiệu sau xuất hiện thì khả năng con cái thành đạt trong tương lai rất khả quan.
01. Không khí học tập vui vẻ
Học tập là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công, nhất là ở những gia đình có điều kiện không quá dư dả. Vì vậy việc nuôi dưỡng niềm hứng thú học tập của trẻ là rất quan trọng. Và, một không khí học tập thoải mái, vui vẻ là điều cần thiết.
Khi bạn có một khu vực đọc sách gọn gàng và sáng sủa, một tủ sách ngăn nắp với đa dạng loại sách, một chiếc góc học tập rộng và thoải mái thì con bạn đã có một "thư viện riêng". Khi trong nhà bạn có khung cảnh cả gia đình ngồi quây quần bên bàn đọc sách, dành nhiều thời gian cùng nhau lặng lẽ đọc sách, học bài dưới ánh đèn ấm áp thì ngôi nhà sẽ có một không khí học tập vui vẻ.
02. Tinh thần đoàn kết, hợp tác
Gia đình có thể là nơi tốt để rèn luyện tinh thần làm việc nhóm của trẻ. Khi ở nhà, trẻ có thể tự cất giữ đồ đạc của mình một cách ngăn nắp, sẵn sàng học cách giúp mẹ chuẩn bị bữa trưa, tự sắp xếp thời gian học tập hợp lý và hợp tác với bố mẹ làm một số công việc nhà trong khả năng.
Điều đó thể hiện con bạn hiểu mình là thành viên trong gia đình, hiểu rõ vị trí của mình trong gia đình, biết sắp xếp việc học tập và cuộc sống của bản thân một cách hiệu quả đồng thời đóng góp cho tập thể.
03. Thói quen tự giác và hoàn thiện bản thân
Việc ép buộc mọi người làm việc chắc chắn sẽ dẫn đến những kết quả khác so với việc một người chủ động làm việc gì đó. Khi con bạn có những mục tiêu rõ ràng, có thể đòi hỏi bản thân chủ động và có ý thức, đồng thời có động lực làm việc chăm chỉ. Chúng sẽ hình thành một số thói quen tốt về tính kỷ luật và tự hoàn thiện bản thân.
Kiên trì dậy sớm có thể khiến con người tràn đầy năng lượng; Kiên trì tập thể dục có thể khiến con người khỏe mạnh; Duy trì khả năng học hỏi có thể giúp con người có đủ tư cách để tiếp tục tiến về phía trước. Và bên cạnh đó, sự tự tin, mạnh mẽ có thể mang lại cho con người dũng khí để tiến về phía trước.
Nếu con bạn hoàn toàn có khả năng tự chủ động trong cuộc sống, học tập hay sự nghiệp thì con đã nắm được chìa khóa mở ra tương lai.
Việc dạy trẻ tính tự giác và hình thành những thói quen tốt phải mang tính thường xuyên, từng bước một và luôn luôn cần động viên, nhắc nhở. Trẻ rất thích được khen, vì thế, trong quá trình thực hiện, bố mẹ nên có những lời nói có cánh, nhưng cũng phải hợp lý và chừng mực.
Khi trẻ làm sai, hỏng, bố mẹ không nên chê bai mà cần khuyến khích: Mẹ biết là con có thể làm tốt hơn; Con làm như thế là không được, nhưng mẹ tin là con sẽ làm được mà! Ngay cả khi trẻ vẫn lựa chọn không làm theo, phụ huynh không nên la hét, ép buộc con mà để trẻ tự nếm trải thất bại để rút ra bài học cho lần sau.
Trẻ em thường có xu hướng bắt chước hành động của người lớn. Nếu con thấy bạn chần chừ làm việc, chúng có thể học tính trì hoãn. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý thực hiện tính kỷ luật để trẻ học theo. Khi bạn không thể làm được, hãy nhận lỗi về mình và cùng thảo luận với trẻ về hành động nên làm.
Nếu ba yếu tố này chưa xuất hiện trong nhà bạn thì cũng đừng nản lòng. Mọi việc đều phụ thuộc vào nỗ lực của con người. Hãy cố thay đổi vì tương lai con cái.
theo Phụ nữ số
Theo soha