Khởi tố vụ công ty mỹ phẩm thu hơn 36 tỷ đồng chỉ nộp thuế 12 triệu đồng

Ngày 26/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hậu Giang vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “trốn thuế” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ mỹ phẩm GOODSKIN (Công ty GOODSKIN) ở ấp 2, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hậu Giang nhận đơn tố giác tội phạm với Công ty GOODSKIN - do Ngô Thị Thùy Trang (sinh năm 1985, trú ấp 2, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) làm giám đốc, có nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh mỹ phẩm.

Quá trình kiểm tra, xác minh, làm việc với công ty và những người có liên quan, cơ quan công an xác định, từ tháng 1/2021 đến tháng 7/2023, bà Ngô Thị Thùy Trang là đại diện chủ cơ sở kinh doanh Thành Phát (nay đổi tên thành Công ty GOODSKIN).

Công ty này kinh doanh mỹ phẩm với số lượng lớn, tổng doanh thu chứng minh được hơn 36,7 tỷ đồng, nhưng số tiền nộp thuế chỉ hơn 12,7 triệu đồng.

Cơ quan chức năng tiến hành thu mẫu tại công ty. Ảnh: T.T

Từ kết quả xác minh, điều tra, cơ quan công an chứng minh được tổng số tiền trốn thuế của Công ty GOODSKIN phải nộp hơn 811 triệu đồng.

Vụ việc được chuyển toàn bộ hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vị Thủy để điều tra theo thẩm quyền.

Thông tin doanh nghiệp

CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ MỸ PHẨM GOODSKIN
 Mã số thuế6300353141
 Địa chỉẤp 8, Xã Vị Trung, Huyện Vị Thủy, Tỉnh Hậu Giang, Việt Nam
 Người đại diệnNGÔ THỊ THÙY TRANG
 Điện thoại0983347931
 Ngày hoạt động2022-06-14
 Quản lý bởiChi cục Thuế khu vực I
 Loại hình DNCông ty trách nhiệm hữu hạn ngoài NN
 Tình trạngĐang hoạt động (đã được cấp GCN ĐKT)

TRỐN THUẾ VÀ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN - PHÁP NHÂN

Tội trốn thuế được quy định tại điều 200 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) với nội dung được quy định cụ thể như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;

b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;

d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;

đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;

e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

h) Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”