Đặc điểm của cây thìa là
Thìa là còn gọi là rau thì là. Tên khoa học Anethum graveolens L. (Peucedanum graveolens Benth et Hook.). Thuộc họ Hoa tán Apiaceae (Umbelliferae.).
Thìa là cho quả dùng làm thuốc.
Thìa là là cây cỏ nhỏ mọc hằng năm, ít phân nhánh, thân nhẵn, cao 0,3-1m, lá xẻ ba thành những phiến nhỏ hình sợi, vò có mùi thơm dễ chịu, nhưng có người cho là khó chịu.
Hoa màu vàng nhạt, mọc thành tán to thường gồm 10 gọng không tổng bao và tiểu bao. Quả hình trứng, dài 3mm, rộng 1,5mm, dẹt ở lưng, phân liệt quả tách nhau dễ dàng, có 3 sống dọc nổi.
Thìa là được trồng khắp nơi ở nước ta nhưng chủ yếu chỉ để lấy lá ăn, thường nấu với cá. Làm thuốc chỉ dùng quả. Ở nước ta không thu hái quả làm thuốc mà dùng quả làm hương liệu cho chè uống. Tại các nước Trung Á, sau lan sang châu Âu người ta trồng và lấy quả làm thuốc. Trước đây, Pháp mua về dùng và bán sang ta, trong khi cây mọc ở nước ta nhưng không dùng. Quả hái về phơi khô là được.
Trong quả thìa là có từ 3-4% tinh dầu. Tinh dầu không màu hay hơi vàng nhạt.
Công dụng và liều dùng của thìa là
Thì Là Giúp Thúc Đẩy Tiêu Hóa
Thì là chứa các hợp chất có tác dụng giảm co thắt đường tiêu hóa, giúp giảm đầy hơi và khó tiêu. Chất xơ dồi dào trong loại thảo mộc này kích thích nhu động ruột, sản xuất dịch vị và enzym tiêu hóa, giúp quá trình tiêu hóa hiệu quả hơn.
Ngoài ra, thì là còn có tính chất kháng axit, ngăn ngừa sự hình thành axit dư thừa trong dạ dày, hỗ trợ điều trị chứng khó tiêu, loét, viêm dạ dày và thúc đẩy sự hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn.
Tăng Cường Sức Khỏe Xương
Thì là chứa một lượng nhỏ canxi, góp phần vào tổng lượng canxi cơ thể hấp thụ. Các hợp chất như vitamin K và magie trong thì là giúp cơ thể hấp thu canxi từ các nguồn thực phẩm khác tốt hơn. Vitamin C và flavonoid trong thì là bảo vệ xương khỏi tổn thương do gốc tự do và giảm viêm nhiễm, bao gồm viêm xương khớp.
Ngăn Ngừa Nhiễm Trùng, Trị Ho và Cảm Lạnh
Tinh dầu thì là có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn và nấm gây bệnh, như E. coli, Salmonella và Staphylococcus aureus. Các chất chống oxy hóa như vitamin C và flavonoid tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Thì là còn giúp điều trị ho và cảm lạnh, giảm mệt mỏi và cải thiện sức sống tổng thể.
Giúp Khắc Phục Chứng Mất Ngủ
Thì là có đặc tính an thần nhẹ, giúp giảm căng thẳng, lo âu và thư giãn tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi cho giấc ngủ. Một số nghiên cứu cho thấy thì là giúp tăng cường sản xuất melatonin – hormone điều hòa giấc ngủ tự nhiên của cơ thể. Bạn có thể thêm thì là vào chế độ ăn hàng ngày hoặc hãm một thìa cà phê hạt thì là với nước sôi, để nguội và uống trước khi đi ngủ.
Hỗ Trợ Điều Trị Các Vấn Đề Về Hô Hấp
Thì là chứa các hợp chất như flavonoid và polyacetylene có khả năng kháng khuẩn và kháng viêm. Các chất này giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, giảm viêm nhiễm đường hô hấp, hỗ trợ điều trị các bệnh như viêm họng, viêm phế quản. Tinh dầu thì là làm dịu cổ họng, giảm đau rát, làm long đờm, giúp giảm ho và khó thở. Súc miệng bằng tinh dầu hạt thì là pha loãng có thể giúp làm long đờm trong phổi và giảm ho.
Những người không nên dùng quả thìa là
Phụ nữ mang thai: Quả thìa là có thể gây sảy thai. Vì vậy tránh dùng quả thìa là như là một loại thuốc trong quá trình mang thai.
Những người dị ứng với các cây thuộc họ cà rốt: Thìa là có thể gây ra các triệu chứng dị ứng ở những người quá mẫn cảm với các loại cây thuộc họ cà rốt. Một vài trong số này bao gồm cần tây, rau mùi.
Người bệnh đái tháo đường: Chiết xuất thìa là có thể làm giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh đái tháo đường. Vì vậy đối với người bệnh đái tháo đường không nên sử dụng chiết xuất thìa là với lượng lớn hơn lượng thường có trong thực phẩm.
Người chuẩn bị phẫu thuật: Chiết xuất thìa là có thể làm giảm lượng đường trong máu. Có một vấn đề là việc sử dụng chiết xuất thìa là có thể cản trở việc kiểm soát lượng đường trong máu trong và sau khi phẫu thuật. Vì vậy những người chuẩn bị phẫu thuật nên ngừng sử dụng chiết xuất từ quả thìa là ít nhất 2 tuần ngay trước lịch phẫu thuật.
Thìa là không chỉ là gia vị mà còn là vị thuốc tốt.
Hạt được dùng để lấy dịch chiết điều chế thuốc chữa đầy bụng ở trẻ sơ sinh hoặc ngậm chữa đau răng. Ngoài ra còn có tác dụng chữa xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, xơ cứng mạch não dẫn tới nhức đầu, dùng liều như dưới dạng thuốc hãm: 1 - 2 thìa cà phê hạt thìa là trong một lít nước sôi hoặc 50 - 100ml dịch chiết chia uống trong ngày, nhưng chỉ uống 2 lần, liên tục trong nhiều ngày. Khi có triệu chứng khó ngủ hoặc bị kích thích nhiều quá, cũng có thể uống trà thìa là trước khi ngủ.
Đông y cho rằng, lá thìa là có tác dụng kích thích sự bài tiết nước tiểu, gia tăng lượng nước tiểu thải ra, nhờ đó làm giảm các cơn đau quặn do rối loạn đường tiết niệu như viêm thận, viêm bàng quang, sỏi thận.
Dưới đây là một số phương thuốc tiêu biểu chữa bệnh từ thìa là:
1, Chữa rối loạn tiêu hóa: Ăn lá thìa là nấu chín mỗi ngày giúp tiêu hóa tốt và chống táo bón. Với trẻ em, 1 - 2 muỗng nước sắc lá thìa là trộn vào thức ăn sẽ ngừa được chứng rối loạn tiêu hóa và giúp trẻ ngủ ngon giấc. Tinh dầu thìa là trích từ sự chưng cất hạt, được dùng trong trường hợp đầy bụng, nấc cụt, ợ chua thừa axit trong dạ dày và chứng tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa.
2, Chữa tiêu chảy và kiết lỵ: Chất dầu trong hạt thìa là rất hữu hiệu để chữa chứng no hơi, đầy bụng. Lấy hạt thìa là chiên trong một lượng tối thiểu bơ cùng với đồng lượng hạt của cây cỏ cari (fenugreek), hỗn hợp này được xem như một loại thuốc đặc hiệu chữa bệnh tiêu chảy và lỵ trực trùng cấp tính. Để đạt hiệu quả tối đa có thể nướng hạt cho vàng rồi nghiền thành bột trộn chung với sữa đặc hoặc kem sữa, dùng 2 - 3 lần trong ngày.
3, Giúp hơi thở thơm tho: Hạt thìa là có đặc tính làm phân hóa hơi trong dạ dày, nhai 5 - 7 hạt thìa là mỗi ngày sẽ giúp hơi thở thơm tho.
4, Chứng mất ngủ: Ăn canh rau thìa là vào bữa tối hoặc hãm nước hạt thìa là uống thay nước trước giờ ngủ, đêm sẽ ngủ ngon giấc.
5, Chữa bệnh đường hô hấp: Khi cảm lạnh, cúm hoặc viêm cuống phổi, dùng khoảng 60g hạt thìa là chế trong nước sôi, lọc lấy nước hòa với mật ong, chia ba lần uống trong ngày.
6, Chữa mụn nhọt sưng tấy: Giã nát lá thìa là tươi thành khối nhão rồi đắp lên mụn nhọt đã chín bị vỡ ra có máu. Có thể trộn chung một ít bột nghệ rồi đắp lên các chỗ ung loét có mủ, tác dụng làm lành rất nhanh. Lá thìa là đun trong dầu vừng được điều chế thành một dạng thuốc dầu để bôi làm giảm đau trong trường hợp đau và sưng ở các khớp.
7, Chữa rối loạn kinh nguyệt: Thìa là có tác dụng kích thích và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Nó làm giảm đau trong các trường hợp đau bụng kinh ở thiếu nữ và trong các trường hợp bế kinh gây ra bởi thiếu máu, cảm lạnh hoặc do có thai, dùng 60g dịch chiết lá thìa là trộn chung với 1 muỗng nước ép rau mùi tây, chia 3 lần uống trong ngày.
Theo BS. Hoàng Xuân Đại
Hình ảnh cây Thì Là (Còn gọi là rau thì là; tên khoa học Anathum graveolens, họ Hoa tán Apiaceae)
Quả thìa là được dùng chữa các bệnh sau:
- Khó tiêu, chướng bụng, nôn mửa, nấc: Dùng 10g hạt sắc uống.
- Huyết áo cao, xơ vữa động mạch dẫn tới nhức đầu khó ngủ: hạt thìa là 5g giã nhỏ; sắc uống ngày 2 lần; uống liên tục nhiều ngày làm giảm cholesterol trong máu.
- Viêm thận, sỏi bàng quang, sỏi thận: giã hạt thìa là 5g hãm như trà; uống 5-6 lần trong ngày.
- Ít sữa : hạt thìa là 10g sắc uống hàng ngày.
- Chữa bệnh đường hô hấp: trong trường hợp cảm lạnh, cúm, hoặc viêm cuống phổi. Dùng khoảng 60g hạt chế trong nước sôi, lọc lấy nước hòa với mật ong, chia 3 lần uống trong ngày.
- Chữa rối loạn kinh nguyệt: thì là có tác dụng kích thích và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Nó làm giảm đau trong các trường hợp đau bụng kinh ở các thiếu nữ và trong các trường hợp bế kinh gây ra bởi thiếu máu, cảm lạnh hoặc do có thai, dùng 60g dịch chiết lá thì là trộn chung với 1 muỗng nước ép rau mùi tây, chia 3 lần uống trong ngày.
- Chữa hơi thở hôi: nhai hạt thì là mỗi ngày sẽ cải thiện được hơi thở, giúp hơi thở thơm tho hơn.
Theo Lương y Minh Chánh
Hình ảnh Hạt cây thì là (Quả và lá có tinh dầu kích thích tiêu hóa, bổ tỳ vị, thông kinh lợi tiểu lợi sữa. Thìa là được trồng khắp nơi ở nước ta, chủ yếu để lấy lá ăn nấu với cá. Làm thuốc thì dùng quả.)