Cây Rau móng ngựa còn gọi là mã đề hay là xa tiền thảo. Tên khoa học là Plant ago asiatica L
Cây mọc hoang hoặc trồng khắp nơi ở nước ta
Bài viết này xin giới thiệu cách dùng mã đề làm thuốc trị bệnh đường tiết niệu và hô hấp.
Viêm đường tiết niệu cấp: mã đề 20g, hoàng cầm 15g, bồ công anh 15g, kim tiền thảo 20g, chi tử sống 15g, ích mẫu thảo 20g, cỏ nhọ nồi 20g, rễ cỏ tranh 30g, cam thảo 5g. Sắc uống ngày 1 thang liền trong 10 ngày. Bài này dùng cho cả trường hợp đái ra máu, sỏi thận và bàng quang.
Tiểu ra máu: lá mã đề tươi 20g, hành 0,5g, gừng 0,5g. Nấu canh ăn hàng ngày trong vài tuần.
Đái dắt, đái buốt, đỏ sẻn: lá mã đề tươi 60g nấu nước uống. Hoặc nấu với thịt lợn cho nhừ. Ăn cái uống nước canh.
Bài thuốc lợi tiểu: hạt mã đề 10g, cam thảo 2g, nước 600ml. Sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày.
Mùa hè hay đi ngoài nắng, lao động ngoài trời mồ hôi ra nhiều, làm tiểu tiện sẻn đỏ, tứ chi mỏi mệt, lồng ngực nóng, ngoài da nóng: 20-30g lá mã đề tươi nấu uống thay nước trà, lúc uống cho vài hạt muối.
Chữa ho long đờm: mã đề 10g, cam thảo 2g, cát cánh 2g, nước 400ml sắc còn 100ml. Chia 3 lần uống trong ngày.
Viêm phế quản: lá mã đề tươi 15g, mướp non vài quả thái nhỏ, nấu với nước uống 3 lần trong ngày. Trong 3-5 ngày.
Viêm thanh quản, viêm họng, khản tiếng: hãm hoặc sắc nước rễ mã đề 60-100g trong 1 lít để ngậm súc miệng.
Trẻ nhỏ đau mắt đỏ: rau mã đề tươi thái chỉ nấu với cá diếc lượng vừa ăn. Ăn trong vài ba ngày.
Thanh nhiệt, trừ đàm, lợi tiểu, sáng mắt: gạo tẻ 500g nấu thành cháo chín nhừ thì cho 10g lá mã đề non bánh tẻ đã thái chỉ. Nấu ăn thường xuyên.
Kiêng kỵ: Trường hợp không có thấp nhiệt, thận hư, nội thương dương khí hạ giáng không dùng. Có thai dùng thận trọng vì hoạt thái.