Nấm Phục linh và những bài thuốc chữa bệnh

Trong y học cổ truyền, phục linh là vị thuốc thông dụng có vị ngọt, nhạt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ tỳ, lợi tiểu, chữa suy nhược cơ thể. Phục linh thuộc họ nấm lỗ, mọc ký sinh trên rễ cây thông.

Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:

Chữa suy nhược cơ thể kèm tiêu chảy kéo dài: Phục linh, đẳng sâm, bạch truật mỗi thứ 10g; trần bì, bán hạ chế mỗi thứ 5g; mộc hương, sa nhân mỗi vị 4g, chích cam thảo 3g. Tất cả phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, trộn với nước gừng hoàn viên. Ngày uống 4-8g.

Chữa phù thũng, bụng trướng, chân tay nề: Phục linh bì, vỏ quýt lâu năm, vỏ quả cau, vỏ rễ dâu, vỏ gừng sống mỗi thứ 10g. Tất cả thái mỏng, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

Chữa phù ở phụ nữ có thai, sắc mặt xám, tim hồi hộp, đầy bụng: Phục linh, bạch truật, bạch thược, phụ tử chế mỗi vị 12g; sinh khương 8g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa nôn mửa ở phụ nữ có thai: Phục linh 10g, bán hạ chế 8g, sinh khương 3g. Sắc uống trong ngày.

Trư linh thuộc họ nấm lỗ, nấm sống trên rễ sau sau. Nấm được thu hoạch, cạo bỏ vỏ ngoài, rửa sạch, thái phiến, phơi khô. Dược liệu có vị ngọt, nhạt, không mùi, tính bình, có tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt.

Chữa phù thũng, tiểu tiện sẻn, đại tiện táo: Trư linh 12g, bạch truật 12g, phục linh 12g, trạch tả 8g, quế chi 8g. Tán nhỏ, rây bột mịn, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 4g với nước ấm.

Chữa viêm gan vàng da: Trư linh, nhân trần, chi tử, phục linh, trạch tả, mỗi vị 12g, xa tiền tử 20g. Sắc uống.

Chú ý: Không dùng trư linh trong thời gian dài. Người có bệnh khớp và bệnh thận không được dùng.