Hoa cây quả lâu
Công dụng chữa bệnh của các bộ phận trên Cây Quả Lâu
Vỏ quả
Vỏ quả qua lâu được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là qua lâu bì. Dược liệu có vị ngọt, hơi chua, mùi hơi giống mùi đường sao cháy, tính hàn, không độc, có tác dụng: thanh nhiệt, chống viêm, cầm máu, chữa sốt nóng, ho, thổ huyết, thủy thũng, vàng da. Liều dùng hàng ngày 8-16g dưới dạng thuốc sắc. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:
Chữa viêm họng, khản tiếng: Qua lâu bì 10g, bạch cương tằm 10g, cam thảo 10g, gừng tươi 4g. Tất cả sắc với 200ml, còn 50ml, uống trong ngày.
Chữa viêm tuyến vú: Qua lâu bì 12g, bồ công anh 40g, kim ngân hoa 16g, liên kiều 16g, sài đất 8g, thanh bì 8g, hoàng cầm 12g. Sắc uống trong ngày.
Chữa đau thắt ngực: Qua lâu bì 12g, đan sâm, xuyên khung, trầm hương, uất kim (mỗi vị 20g), hồng hoa 16g, xích thược, hương phụ chế, hẹ (mỗi vị 12g), xuyên quy vĩ 10g. Sắc uống trong ngày.
Nhân hạt
Hạt lấy ở quả già, chắc, mập, phơi hoặc sấy khô. Tên thuốc là qua lâu nhân. Khi dùng đập nhẹ cho vỏ tách đôi, bỏ vỏ lấy nhân, giã nát (dùng sống) để trừ nhiệt. Có thể tẩm mật ong sao qua (bổ phế) để khỏi rát cổ (dùng chín). Qua lâu nhân có vị ngọt, hơi đắng, tính hàn, vào các kinh phế, vị và đại trường. Có tác dụng thanh nhiệt hóa đàm, nhuận phế, chống ho, nhuận tràng. Liều dùng 8-16g, dạng thuốc sắc, dùng phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:
Chữa viêm tắc động mạch: Qua lâu nhân 16g, đương quy, cam thảo (mỗi vị 20g), kim ngân hoa, xích thược, ngưu tất (mỗi vị 16g), huyền sâm, đào nhân, đan bì (mỗi vị 12g). Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa lao phổi: Qua lâu nhân 8g, sài hồ, hạ khô thảo, huyền sâm (mỗi vị 16g), bán hạ chế, chỉ xác, tang bạch bì (mỗi vị 8g). Sắc uống trong ngày.
Lưu ý: Người tỳ vị hư hàn không dùng qua lâu nhân. Dùng nhiều sinh tiêu chảy.
Rễ cây
Rễ qua lâu đào về, cạo bỏ vỏ ngoài, rửa sạch, cắt thành từng đoạn, rễ nhỏ để nguyên, rễ to bổ dọc, phơi hay sấy khô lấy tên thuốc là thiên hoa phấn.
Liều dùng 8-16g dưới dạng thuốc sắc, hoặc thái mỏng, giã nát, ngâm nước, lọc lấy bột, dùng mỗi lần 4-8g.
Vị thuốc thiên hoa phấn dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:
Chữa mụn nhọt lâu ngày: Thiên hoa phấn 8g, ý dĩ 12g, bạch chỉ 10g. Sắc hoặc tán bột uống.
Chữa sốt nóng do viêm họng, da vàng, miệng khô khát: Thiên hoa phấn 8g, rễ cây ké lớn đầu 8g, sắc uống trong ngày.
Chữa viêm amidan mạn tính: Thiên hoa phấn 8g, sinh địa 16g, hoài sơn, huyền sâm, ngưu tất (mỗi vị 12g), sơn thù, trạch tả, đan bì, phục linh, tri mẫu, địa cốt bì (mỗi vị 8g), xạ can 6g. Sắc uống trong ngày.
Chữa tắc tia sữa: Thiên hoa phấn 8g, bạch thược 12g, sài hồ, đương quy xuyên sơn giáp (mỗi vị 8g), thanh bì, cát cánh, thông thảo (mỗi vị 6g). Sắc uống trong ngày.
Trên đây là chi tiết công dụng chữa bệnh của các bộ phận như Vỏ quả, Nhân hạt, Rễ cây Quả lâu. Được liệt kê chi tiết cho từng bệnh dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Nếu bạn muốn tìm hiểu chi tiết thông tin Cây Quả Lâu bạn có thể xem các liên kết ở dưới hoặc nhập từ cần tìm vào ô tìm kiếm ở trên để có kết quả nhanh nhất.
Chúc bạn thành công!