1. Hình ảnh cây Nghể râu
2. Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu Nghể râu
Nghể râu, Nghể dại, Nghể trắng - Polygonum barbatum L., thuộc họ Rau răm - Polygonaceae.
Mô tả: Cây thảo sống dai, có thân khoẻ nhưng rỗng. Lá có cuống ngắn, dính ở phần dưới hoặc tới gần giữa các bẹ chìa; phiến có lông hình mũi mác; các lá ở ngọn thường hình dải; bẹ chìa hình trụ, dài đến gần nửa lóng, mảnh, phủ lông tơ ở mặt ngoài. Cụm hoa hình bông dài, đôi khi họp thành chùm, mọc ở đỉnh; lá bắc có nhiều lông tơ, cuống hoa có đốt ở đầu, bao hoa màu trắng hoặc hồng; nhị 5-8, không đều nhau; bầu hình 3 cạnh. Quả hình 3 cạnh nhẵn.
Ra hoa tháng 9.
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Polygoni Barbati, thường có tên là Mao liễu.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Độ, Xri Lanca, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaixia, Ôxtrâylia. Ở nước ta, cây mọc rất phổ biến ở các hồ ao, bờ ruộng ở các vùng ẩm, ở chỗ có nước ngập.
Tính vị, tác dụng: Vị cay, tính ấm, có độc; có tác dụng bạt độc sinh cơ, hút mủ.
Công dụng: Ở Ấn Độ, hạt dùng trị ỉa chảy và kiết lỵ; cũng dùng trị bệnh cảm cúm. Rễ được dùng rửa trị các vết thương.
Ở Malaixia, lá nghiền nhỏ được dùng xát lên vết thương bị ruồi cắn trên da các con dê. Lá non có thể luộc làm rau ăn.
Ở Trung Quốc, cây được dùng chữa sưng tấy làm mủ, bệnh ngoài da, lở ngứa mụn nhọt.