Cây cỏ dùi trống và những bài thuốc chữa các bệnh về mắt ở người lớn và trẻ em

Theo y học cổ truyền, dược liệu Cỏ dùi trống Vị the, hơi ngọt, tính bình; có tác dụng tán phong nhiệt, làm sáng mắt và sát trùng. Chữa đau mắt do phong nhiệt (viêm kết mạc, màng mộng), nhức đầu, đau răng, đau cổ họng, thông tiểu và trị ghẻ lở.

1. Đặc điểm của cây cỏ dùi trống

Cỏ dùi trống còn có tên là "cỏ đuôi công", "cây cốc tinh"...

Tên khoa học là Eriocaulon sexangulare L.

Đây là loài cây cỏ nhỏ, mọc hoang, sống hàng năm, thường mọc lên sau khi đã gặt lúa. Cỏ dùi trống có rễ chùm, thân ngắn. Lá mọc vòng, dẹt, dài 4-35cm, rộng 0,2-1cm, nhẵn, nhiều gân dọc. Hoa hình tròn hay hình trứng, đường kính 4-6mm, dài 4-7mm.

Để làm thuốc dùng thân và hoa của cỏ dùi trống, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, bó thành từng bó, bảo quản dùng dần, lấy tên thuốc là cốc tinh thảo. Nếu chỉ dùng hoa, tên thuốc là cốc tinh châu

2. Tác dụng của vị thuốc cốc tinh thảo

Cốc tinh thảo có vị ngọt, tính bình, thuộc về hai kinh túc quyết âm can và túc dương minh vị; có tác dụng thanh can minh mục (mát gan, sáng mắt), tán nhiệt thoái ế (giải nhiệt, tiêu màng mộng); dùng chữa các bệnh về mắt, đau đầu, đau răng, đau họng do phong nhiệt. Kinh nghiệm dân gian thường dùng cốc tinh thảo để giảm sốt và trị bí tiểu, nhức mỏi mắt, nhức đầu.

Liều dùng: 6-10g dưới dạng thuốc bột hay thuốc sắc.

Kiêng kỵ: Cốc tinh thảo kỵ đồ sắt. Người bị bệnh về mắt do huyết hư không dùng độc vị cốc tinh thảo. Cần phối hợp với các vị thuốc khác.

3. Bài thuốc chữa bệnh từ cốc tinh thảo

3.1 Chữa đau mắt đỏ:

Cốc tinh thảo 12g, tang diệp 6g, cúc hoa 8g, sắc uống thay trà.

3.2 Chữa quáng gà, thị lực kém, nhìn mờ:

Cốc tinh thảo 16g, dạ minh sa 9g, thương truật 15g, sắc lấy nước. Cho 200g gan lợn vào nước thuốc đun chín, chia ăn trong ngày, ăn cái, uống thang vào lúc đói bụng.

3.3 Chữa nhức mắt, khô mắt:

Cốc tinh thảo, hạt mã đề, mật mông hoa, hạt muồng. Lượng bằng nhau, mỗi vị 20g, sắc uống, rồi lấy thạch quyết minh (vỏ ốc 9 lỗ) mài vào uống.

3.4 Chữa viêm kết mạc, viêm giác mạc:

Cốc tinh thảo, phòng phong, hai vị lượng bằng nhau, tán bột mịn; ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 2g.

Hoặc dùng bài: Cốc tinh thảo 10g, phòng phong 10g, sắc uống trong ngày.

3.5 Chữa đau đầu, mắt có màng mộng:

Cốc tinh thảo 9g, kinh giới tuệ 6g, huyền sâm 6g, ngưu bàng tử 6g, sắc uống trong ngày.

3.6 Chữa mắt kém, mắt có màng mộng, nhìn không rõ:

Cốc tinh thảo 40g, gan vịt 2 cái, đổ nước vừa đủ, đun nhỏ lửa 30 - 40 phút, ăn sau bữa cơm.

3.7 Chữa nhức đầu:

Cốc tinh thảo 8g, địa long 12g, nhũ hương 4g. Các vị trên tán bột mịn, mỗi lần lấy 4g đốt lấy khói ngửi.

3.8 Hỗ trợ điều trị đau nửa đầu:

Cốc tinh thảo 10g, tán nhỏ, trộn với hồ, phết lên giấy bản rồi dán vào nơi đau, khi thuốc khô thì thay bằng miếng thuốc khác.

3.9 Chữa nhức đầu, đau răng, đau họng do phong nhiệt:

Cốc tinh thảo 20g, huyền sâm 16g, kinh giới 12g, dành dành 12g, mộc thông 12g, thanh ngâm 8g. Sắc uống.

3.10 Trị trẻ nhỏ thấp còi, lòng bàn chân bàn tay nóng:

Cốc tinh thảo 50g, gan lợn 100g; cho vào nồi, đổ ngập nước, đun nhỏ lửa cho chín kỹ, chia ăn 2 lần trong ngày.

3.11 Trẻ em cam tích, mắt đỏ, sợ ánh sáng:

Cốc tinh thảo 50g, gan lợn 100g, hấp cách thủy cho chín, gia vị vừa đủ, cho trẻ ăn hàng ngày.

Tìm hiểu chi tiết cây 

Cây dược liệu cây Cỏ dùi trống, Cốc tinh thảo - Eriocaulon sexangulare L

Vị thuốc cốc tinh thảo được đưa vào sử dụng